Công tác xã hội bệnh viện: Hỗ trợ điều trị tâm lý và giúp đỡ bệnh nhân

Nguyệt Ánh, icon
08:32 ngày 08/11/2013

 Đối với bệnh nhân gặp phải bệnh hiểm nghèo, việc ổn định tâm lý là yếu tố quan trọng giúp họ có được niềm tin trong suốt quá trình điều trị bệnh. Và những người làm công tác xã hội trong bệnh viện đã giúp họ vượt lên số phận để chiến thắng bệnh tật.

Thăm hỏi, chia sẻ, động viên bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, nhất là bệnh nhân ung thư là công việc thường lệ của những người làm công tác xã hội và chuyên viên điều trị tâm lý của Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM). Việc làm này từng bước góp phần giúp tâm lý bệnh nhân được ổn định, bớt lo lắng.

Ông Phùng Văn Miết, xã Lộc Quang, Lộc Ninh, Bình Phước cho biết: "Khi xuống khoa ung bướu tâm lý thường hoang mang hơn nhưng sau khi được nghe tư vấn và động viện từ các nhân viên công tác xã hội đã giúp tôi thấy tin tưởng, an tâm hơn”.

4 năm qua, hoạt động công tác xã hội đã được triển khai tại Bệnh viện Nhân dân 115 với nhiều nội dung hỗ trợ như hướng dẫn thủ tục và quy trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân mới nhập viện, cung cấp thông tin, tư vấn các dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng, chuyển tải thông tin của người bệnh tới cán bộ y tế, giải quyết những thắc mắc về công tác điều trị và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh cùng gia đình họ.

Anh Đào Đức Tự, nhân viên công tác xã hội bệnh viện chia sẻ: “Từ khi công tác xã hội triển khai trong bệnh viện, ngoài chuyên môn điều trị, nhân viên công tác xã hội còn hỗ trợ giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, điều trị hiệu quả hơn”.

Với số lượng 20 người, đội ngũ công tác xã hội của bệnh viện đảm nhận các hoạt động hỗ trợ với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng khó khăn gặp phải là cho đến nay bệnh viện vẫn tự chi trả lương cho đội ngũ này với lý do họ không nằm trong biên chế của viện.

Dù khó khăn nhưng những nhân viên công tác xã hội vẫn đến thăm hỏi sức khỏe và diễn biến bệnh tình của từng bệnh nhân tại khoa ung bướu. Vẫn là những lời thăm hỏi ân cần, những lời khuyên hữu ích giúp người bệnh giảm bớt cảm giác đau đớn, không bị rơi vào cảm giác bị bỏ rơi, xa lánh. Một công việc nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa xã hội lớn.

Cùng chuyên mục