Cứu sống bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, liên tục nôn ra máu

Linh Chi, icon
07:35 ngày 01/03/2021

VTV.vn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Tây Ninh) vừa tiếp nhận một cuộc gọi từ trung tâm cấp cứu vì có bệnh nhân nữ nôn ra máu tươi nhiều.

Hình minh họa.

Các ekip cấp cứu ngoại viện nhanh chóng lên đường đến nơi, khoảng 30 phút sau tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng rất nặng: nôn ra máu tươi nhiều lần, số lượng từ 50 - 100ml, da niêm nhợt nhạt, mạch, huyết áp vẫn còn đo được.

Bác sĩ trực tiếp cận bệnh nhân ngay từ cổng cấp cứu nhận định rằng đây là 1 trường hợp sốc giảm thể tích do mất máu từ đường tiêu hóa trên nền tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường type và từng mổ 1 lần để cầm máu xuất huyết từ dạ dày cách nay 10 năm. Từ đó đến nay, chứng bệnh thường xuyên tái phát. Gần 1 tháng nay, bệnh nhân nôn ra máu nhiều lần, điều trị nhiều nơi nhưng vẫn tái đi tái lại.

Ngay lập tức, bệnh viện triển khai báo động đỏ nội viện chuẩn bị máu truyền, hồi sức, nội soi tiêu hóa cấp. Sau khi hồi sức tạm ổn, bệnh nhân ngay lập tức được tiến hành nội soi dạ dày - tá tràng cấp cứu để xác định thương tổn.

Lần đầu nội soi thấy máu ra rất nhiều, ê-kip nội soi tiến hành kẹp clip cầm máu và tiên lượng nguy cơ tái xuất huyết cao. Quan sát kỹ ở hành tá tràng có một nốt, không phải ổ loét, giống mạch máu lộ ra nhưng đang ổn, đây là điểm mù trong nội soi rất khó can thiệp nên các bác sĩ tiếp tục hồi sức nội khoa.

Trong quá trình hồi sức nội khoa cho bệnh nhân, diễn tiến tương đối ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhân tái xuất huyết nhiều, công thức máu giảm mạnh, huyết áp tụt. Do nốt đỏ ở hành tá tràng bung ra chảy máu, ê-kip phải tiến hành nội soi lần 2 đánh giá và can thiệp, nhưng do mạch máu rất lớn nằm lộ ở dưới, máu đang chảy rất nhiều theo nhịp mạch, khiến quá trình nội soi can thiệp rất khó khăn và khả năng tái phát rất cao.

Bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến phòng can thiệp mạch DSA . Trong khi thực hiện can thiệp mạch, ê-kip can thiệp thấy một mạch máu nuôi tá tràng bị thủng và chảy máu vào lòng ống tiêu hóa. Bác sĩ can thiệp tiến hành bơm gel tắc mạch máu đang chảy.

Sau khi thực hiện can thiệp mạch, tình trạng chảy máu đã được kiểm soát, sinh hiệu bệnh nhân ổn định lại, tỉnh táo, giảm đau bụng. Ngày thứ 1 sau can thiệp. bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang trong giai đoạn bình phục, có thể vận động sinh hoạt bình thường và bắt đầu ăn uống lại.

Theo các bác sĩ, xuất huyết tiêu hóa do loét tá tràng trên bệnh nhân đã có phẫu thuật dạ dày trước đây và thường xuyên tái phát là tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trong số những người bị xuất huyết tiêu hóa, tỷ lệ tử vong lên tới 3 - 14%. Vì vậy, cần phải chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử trí, cấp cứu kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục