Đắk Nông: Xây dựng thành công các xã điểm về quản lý bệnh trầm cảm

Tuấn Bảo, icon
05:36 ngày 15/09/2018

VTV.vn - Bệnh trầm cảm là một rối loạn về cảm xúc, có đặc điểm chung là mang đến những cảm giác buồn bã, mất hứng thú kéo dài gây ra những tác hại không thể lường trước.

Hiện nay, trên toàn cầu có khoảng 350 triệu người ở mọi lứa tuổi, từ tất cả các tầng lớp xã hội đang mắc phải căn bệnh trầm cảm. Bệnh trầm cảm gây ra sự giảm sút tinh thần, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, giao tiếp và khả năng sinh tồn của người bệnh. Nguy hiểm hơn nữa, trầm cảm đôi khi có thể dẫn đến việc tự sát. Đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở độ tuổi từ 15-29 và được coi là một trong những căn bệnh của xã hội hiện đại.

Từ Đề án 1816, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao cho cán bộ của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội các kiến thức, kỹ năng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân tâm thần nói chung. Qua đó, Trung tâm đã xây dựng thành công 100% xã điểm về bệnh động kinh và tâm thần phân liệt trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Năm 2012, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã triển khai xây dựng xã điểm về quản lý bệnh trầm cảm đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại phường Nghĩa Tân – thị xã Gia Nghĩa. Năm 2018, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tiếp tục triển khai xây dựng 5 xã điểm về bệnh trầm cảm trên địa bàn nhằm phát hiện, điều trị và quản lý hiệu quả bệnh trầm cảm. Gồm các xã Đăk R’Măng - huyện Đăk Glong; Đạo Nghĩa - huyện Đăk R’Lấp; thị trấn Đức An - huyện Đăk Song; xã Đăk N’drot và Đăk Rla - huyện Đăk Mil.

Tại đây, ngoài việc tập trung triển khai tập huấn cho mạng lưới cán bộ chuyên trách tuyến cơ sở, thì việc tổ chức khám sàng lọc cũng giúp ngành y tế có những đánh giá tổng quan về tình hình và diễn biến của bệnh trầm cảm trên trên một số địa bàn. Trung tâm đã tổ chức 5 lớp tập huấn tại các xã điểm nói trên với hơn 110 lượt học viên tham gia. Mô hình này là tiền đề để từ năm 2018 và các năm tiếp theo, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội có cơ sở để xây dựng tiếp các xã điểm về bệnh trầm cảm trên địa bàn toàn tỉnh.

Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực và các yếu tố tác động khiến con người dễ dẫn đến các biểu hiện trầm cảm. Số liệu từ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội cho thấy, hiện nay toàn tỉnh có 549 bệnh nhân trầm cảm đang được quản lý. Con số này còn cao hơn rất nhiều so với thời điểm bắt đầu điều tra về bệnh trầm cảm. Chỉ riêng tại 5 xã điểm, số bệnh nhân trầm cảm mới là 24, cao hơn so với bệnh nhân tâm thần phân liệt mới (17 bệnh nhân) và bệnh nhân động kinh mới (19 bệnh nhân).

Theo bác sĩ Hà Văn Tự - Trưởng Khoa Tâm thần nữ 2, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, bệnh trầm cảm là bệnh có các biểu hiện thường không rõ rệt. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng thì các biểu hiện mới bộc lộ một cách rõ ràng. Các biểu hiện của bệnh trầm cảm là cảm giác do dự, không chắc chắn, đòi hỏi cao, yêu cầu cao với người khác và với chính mình. Người bệnh dễ bị tổn thương, khó thay đổi những thói quen cũ dù không còn phù hợp, luôn ở tình trạng mệt mỏi, ủ rủ và căng thẳng, rất dễ tức giận và nổi nóng. Luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân và người khác, cảm giác tuyệt vọng không còn lối thoát, không còn niềm tin vào bản thân và tương lai…

Hiện nay, cách phòng ngừa bệnh trầm cảm hiệu quả nhất vẫn là tạo cho bản thân một lối sống lành mạnh, giảm thiểu căng thẳng. Ngoài ra, điều trị các dấu hiệu sớm nhất có thể giúp chống trầm cảm phát triển theo chiều hướng xấu. Duy trì điều trị kéo dài cũng có thể giúp ngăn ngừa tái phát bệnh trầm cảm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục