Đừng coi thường bệnh xơ vữa động mạch

P.V, icon
08:03 ngày 31/12/2018

VTV.vn - Động mạch là mạch máu mang máu giàu oxy đến tim và các bộ phận khác của cơ thể. Khi các mảng bám tích tụ trong động mạch gây ra xơ vữa động mạch.

Hình minh họa.

Mảng bám được tạo thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác có trong máu. Theo thời gian, mảng bám cứng lại và làm hẹp dần các động mạch. Điều này hạn chế dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan của cơ thể.

Có bao nhiêu loại xơ vữa động mạch?

Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm các động mạch ở tim, não, thận, tay, chân... Khi động mạch của cơ quan nào bị xơ vữa sẽ phát triển bệnh ở cơ quan đó.

Bệnh xơ vữa động mạch không xuất hiện đột ngột mà tiến triển tăng dần. Ban đầu thường người bệnh không có triệu chứng, khi động mạch bị hẹp lại đáng kể hoặc bị tắc dẫn đến không thể cung cấp đủ máu đến các cơ quan sẽ biểu hiện triệu chứng. Tùy theo cơ quan bị ảnh hưởng sẽ có triệu chứng khác nhau.

Bệnh động mạch vành: Động mạch vành là những động mạch cung cấp máu giàu oxy nuôi trái tim. Xơ vữa gây hẹp động mạch vành làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim. Động mạch vành bị xơ vữa có thể bị hình thành cục máu đông dẫn đến ngăn chặn một phần hoặc tắc hoàn toàn dòng máu nuôi tim do mạch vành đó cung cấp. Khi đó, người bệnh sẽ có triệu chứng cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

Bệnh động mạch cảnh: Động mạch cảnh là những động mạch cung cấp máu giàu oxy cho não. Xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh làm giảm lưu lượng máu đến não, khi đó người bệnh có thể bị đột quỵ, biểu hiện các triệu chứng như tê hoặc yếu nửa người, nói khó hoặc mất ngôn ngữ…

Bệnh động mạch ngoại vi: Là các động mạch cung cấp máu giàu oxy cho chân, tay và vùng chậu. Xơ vữa gây hẹp động mạch ngoại biên dẫn đến các bộ phận này của cơ thể bị thiếu máu nuôi, khi đó người bệnh có thể bị tê, đau, và đôi khi viêm, loét hoặc nhiễm trùng kéo dài, hoại tử chi.

Những ai là đối tượng mắc bệnh?

Nguyên nhân chính xác của xơ vữa động mạch chưa được biết. Tuy nhiên, một số đặc điểm hoặc thói quen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những điều kiện này được gọi là yếu tố nguy cơ. Càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì càng có nhiều khả năng sẽ bị xơ vữa động mạch.

Hầu hết các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch có thể thay đổi được giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch. Một số yếu tố nguy cơ khác không thể kiểm soát được.

- LDL Cholesterol cao (LDL cholesterol được gọi là cholesterol "xấu") và cholesterol HDL thấp (HDL cholesterol được gọi là cholesterol "tốt").

- Huyết áp cao: Huyết áp được coi là cao nếu từ 140/90 mmHg trở lên.

- Hút thuốc lá.

- Tình trạng đề kháng insulin: Là tình trạng các tế bào trong cơ thể kém nhạy cảm với insulin. Insulin là một loại hormon giúp di chuyển lượng đường trong máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Kháng insulin có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

- Bệnh tiểu đường: Đường trong máu của cơ thể cao vì cơ thể không tạo đủ insulin hoặc đề kháng insulin.

- Thừa cân hoặc béo phì.

- Thiếu hoạt động thể chất: Việc thiếu hoạt động thể chất có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác cho xơ vữa động mạch như rối loạn lipid máu, huyết áp cao, tiểu đường, thừa cân và béo phì.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol, đường có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch khác.

- Lớn tuổi: Khi già đi, nguy cơ xơ vữa động mạch tăng lên. Ở nam giới, nguy cơ gia tăng sau tuổi 45. Ở phụ nữ, nguy cơ gia tăng sau tuổi 55.

- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm: Nguy cơ xơ vữa động mạch tăng lên nếu có cha được chẩn đoán mắc bệnh tim trước 55 tuổi, hoặc có mẹ được chẩn đoán mắc bệnh tim trước 65 tuổi.

Mặc dù tuổi tác và tiền sử gia đình của bệnh tim sớm là những yếu tố nguy cơ, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bị xơ vữa động mạch nếu bạn có một hoặc cả hai. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác thường có thể làm giảm ảnh hưởng di truyền và ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ngay cả ở người lớn tuổi.

Người trẻ có mắc bệnh?

Các nghiên cứu cho thấy rằng: ngày càng nhiều người trẻ có nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Điều này là do một số nguyên nhân, bao gồm tỷ lệ béo phì đang gia tăng, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạch, hút thuốc lá...

Tại Bệnh viện Quốc tế City, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch cũng thường gặp bệnh nhân đến với tình trạng xơ vữa động mạch biểu hiện hiện ở bệnh lý động mạch vành như bệnh tim thiếu máu cục bộ mãn, nhồi máu cơ tim, suy tim, bệnh động mạch cảnh như nhồi máu não, bệnh động mạch thận, động mạch chi …

Những phương pháp điều trị

Điều trị xơ vữa động mạch có thể bao gồm những thay đổi lối sống, kết hợp với việc dùng thuốc, can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật. Các mục tiêu của điều trị bao gồm:

- Giảm các yếu tố nguy cơ.

- Ngăn ngừa các bệnh do xơ vữa động mạch.

- Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

- Giảm triệu chứng: Tái thông dòng máu bị hẹp hoặc tắc bằng cách nong hoặc cắt bỏ mảng xơ vữa

- Thay đổi lối sống: chế độ ăn uống thích hợp, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, kiểm soát căng thẳng, hoạt động thể lực và bỏ hút thuốc lá.

- Thuốc: Đôi khi chỉ thay đổi lối sống không đủ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tùy theo tình trạng bệnh như: thuốc điều chỉnh các rối loạn lipid máu, hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, ngăn ngừa cục máu đông.

Điều quan trọng là phải uống thuốc thường xuyên theo toa của bác sĩ đồng thời vẫn theo một lối sống lành mạnh cho tim, ngay cả khi bạn dùng thuốc để điều trị xơ vữa động mạch.

- Can thiệp nội mạch và phẫu thuật: khi có tình trạng xơ vữa động mạch nặng.

- Can thiệp động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch thận, động mạch chi qua da, còn được gọi là nong động mạch, là một thủ thuật được sử dụng để thông các động mạch bị nghẽn hoặc bị hẹp. Đôi khi một ống lưới nhỏ gọi là giá đỡ động mạch được đặt trong động mạch để giữ cho động mạch được mở sau khi làm thủ thuật.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh xơ vữa động mạch cũng như giúp phòng tránh bệnh:

- Tránh khói thuốc lá: Nếu hút thuốc lá thì nên bỏ thuốc lá, nếu không hút thuốc lá nên tránh môi trường có khói thuốc lá

- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn giúp tăng HDL-cholesterol, giảm LDL-cholesterol.

- Giữ cân nặng ở mức bình thường, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì.

- Chế độ ăn uống thích hợp: Ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đạm thực vật hoặc đạm từ cá, gia cầm, ăn ít chất béo bão hòa và ít cholesterol. Không nên ăn các loại thịt chế biến sẵn, các loại tinh bột tiêu hóa nhanh như bánh mỳ trắng, gạo trắng, khoai tây… thịt đỏ, soda và các loại nước ngọt.

- Hạn chế bia, rượu: Nếu bạn uống rượu, hãy hạn chế uống một đến hai ly mỗi ngày cho nam giới, không quá một ly mỗi ngày cho phụ nữ. Đối với rượu vang: 1 ly 60 ml, rượu mạnh 1 ly 30 ml.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục