Hậu quả khôn lường khi tự sử dụng mật cá trắm làm thuốc chữa bệnh

Nguyễn Liên, icon
09:17 ngày 26/09/2018

VTV.vn - Sử dụng mật cá trắm không đúng liều có thể gây nên những hậu quả khôn lường với mức độ cao nhất là tử vong.

Cá trắm cỏ (Hình minh họa: fosterfollynews.net)

Từ lâu đời, cá trắm là vị thuốc được dùng phổ biến trong dân gian Việt Nam. Trong đó, mật cá trắm được nhiều người tin dùng trong điều trị một số loại bệnh phổ biến.

Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm được đúc kết trong cuốn sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật), mật cá trắm có vị đắng, tính hàn, có độc, có tác dụng chống viêm, giải độc, minh mục.

Tuệ Tĩnh, vị lương y sống ở cuối thời Trần, được hậu thế suy tôn là "Tiên thánh của ngành thuốc Nam") đã dùng mật cá trắm trong những trường hợp sau:

- Chữa cổ họng sưng đau: mật cá trắm (thường là loại cá đen) rút lấy nước trộn với mật ong (lượng bằng nhau) rồi ngậm. Làm nhiều lần mỗi ngày.

- Chữa mắt đỏ có màng: lấy nước mật cá nhỏ vào mắt.

Hậu quả khôn lường khi tự sử dụng mật cá trắm làm thuốc chữa bệnh - Ảnh 1.

Cá trắm đen (Hình minh họa: torontozoo.com)

Mật cá trắm dù rất hữu ích, tuy nhiên, các sách thuốc cổ thường ghi mật cá trắm chỉ được dùng ngoài, ít dùng uống bởi những hệ quả khôn lường có thể xảy ra nếu không sử dụng đúng cách.

Ở một số nơi, nhân dân đã dùng mật cá trắm dưới dạng nuốt cả túi mật còn tươi hoặc pha mật với rượu và uống mà không có liều lượng cụ thể. Hậu quả để lại là những vụ ngộ độc rất thương tâm, thậm chí dẫn đến tử vong. Triệu chứng ngộ độc thường là đau bụng dữ đội, nôn nhiều, tiêu chảy nặng đến phù nề, bí tiểu, khó thở, nôn ra máu rồi hôn mê mà chết.

Theo các chuyên gia y học cổ truyền, mật cá trắm có liều chữa bệnh rất gần với liều gây độc. Bởi vậy, người không có kinh nghiệm không được tự ý sử dụng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục