Hơn 50% bệnh nhân từng điều trị COVID-19 bị mắc chứng rối loạn tâm thần sau đó

Nguyễn Mai, icon
08:40 ngày 18/08/2020

VTV.vn - Hơn một nửa số người được điều trị tại bệnh viện vì COVID-19 thường bị rối loạn tâm thần một tháng sau đó - theo tờ Người Bảo vệ của Anh.

Khủng hoảng tinh thần do thời gian điều trị COVID-19 kéo dài khiến nhiều bệnh nhân mắc chứng trầm cảm.

Trong số 402 bệnh nhân được theo dõi sau khi điều trị COVID-19, 55% được phát hiện có ít nhất một chứng rối loạn tâm thần, các chuyên gia từ bệnh viện San Raffaele ở Milan cho biết. Kết quả, dựa trên các cuộc phỏng vấn lâm sàng và bảng câu hỏi tự đánh giá, cho thấy 28% trường hợp bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD), trầm cảm 31% và lo âu 42%. Ngoài ra, 40% bệnh nhân bị mất ngủ và 20% có các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế (OC).

Phát hiện này sẽ làm gia tăng mối lo ngại về tác động tâm lý của virus lên hệ thần kinh. Bài báo cũng chỉ rõ rằng PTSD, trầm cảm nặng và lo âu đều là những tình trạng thường xuyên xảy ra đối với bệnh nhân phải điều trị trong thời gian dài và mắc những bệnh hiểm nghèo. Đã có cảnh báo từ các chuyên gia Anh về tình trạng rối loạn và tổn thương não ở bệnh nhân COVID-19 bao gồm viêm não, đột quỵ và rối loạn tâm thần do virus.

Xem xét tác động đáng báo động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần, những hiểu biết hiện tại về chứng viêm trong thần kinh học và quan sát về tình trạng viêm nặng hơn dẫn đến trầm cảm tồi tệ hơn, các chuyên gia khuyến cáo nên đánh giá tâm lý của những người bệnh COVID-19 đã được điều trị và nghiên cứu sâu hơn về di chứng sinh học mà căn bệnh này để lại, để chẩn đoán và điều trị các tình trạng tâm thần khẩn cấp. 

Nghiên cứu trên 265 nam giới và 137 phụ nữ cho thấy: Mặc dù phụ nữ có nguy cơ tử vong vì COVID-19 thấp hơn nam giới, nhưng lại chịu đựng nhiều hơn nam giới về tổn thương tâm lý. Các chuyên gia cho biết những tác động tâm thần có thể được gây ra "do phản ứng miễn dịch với chính virus hoặc do các yếu tố gây căng thẳng tâm lý như cô lập xã hội, tác động tâm lý của một căn bệnh mới nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong, lo ngại về việc lây nhiễm cho người khác và sợ bị kỳ thị". Bệnh nhân ngoại trú cho thấy tình trạng tăng lo lắng và rối loạn giấc ngủ.

Đối với những bệnh nhân mắc dịch SARS hồi năm 2002, tỷ lệ mắc bệnh tâm thần dao động từ 10% đến 35% trong giai đoạn sau bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục