Khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ

SK&ĐS, icon
11:00 ngày 21/06/2014

Nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng khi thấy con lười ăn, biếng ăn. Trẻ biếng ăn thường hay ốm vặt, chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng vì không đủ lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Rồi dần hình thành thói quen không muốn ăn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Vậy vì sao trẻ biếng ăn, và có biện pháp nào để khắc phục?.

Nguyên nhân gây biếng ăn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ nhưng chủ yếu tập trung vào các nhóm nguyên nhân chính sau đây:

- Trẻ bị bệnh: Tất cả các bệnh nhiễm khuẩn đều gây ra chứng biếng ăn, dù là nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ, cấp tính hay mạn tính như viêm VA, viêm tai, viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, các bệnh cúm, ho gà, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột, viêm gan, các bệnh đường mật, một số bệnh lý toàn thân khác (còi xương, thiếu máu, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin..)

Ngay cả khi mọc răng trẻ cũng có thể biếng ăn: biếng ăn xuất hiện mấy tuần lễ trước khi mọc răng, khi răng đã nhú khỏi lợi trẻ lại ăn bình thường.

- Do sai lầm về ăn uống: do thay đổi chế độ ăn, trẻ chưa quen với món ăn mới, cai sữa đột ngột hoặc quá chậm, cho trẻ ăn quá nhiều khiến trẻ không tiêu hoá hết thức ăn ăn vào, ăn quá ít, chế độ ăn không cân đối, cách chế biến thức ăn không hợp với khẩu vị của trẻ, bắt trẻ ăn một loại thức ăn trong nhiều ngày, nhiều tuần, cách chế biến không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

- Do yếu tố tâm lý: Thường gặp ở các gia đình quan tâm lo lắng quá mức đến bữa ăn của trẻ, bắt trẻ ăn quá nhiều. Người cho ăn có thái độ không đúng: đánh mắng, bóp mồm, bóp mũi trẻ, biến bữa ăn của trẻ thành nỗi sợ hãi kinh hoàng ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, mỗi khi nhìn thấy bát bột, bình sữa là trẻ đã sợ hãi. Ngoài ra yếu tố tâm lý còn do thay đổi môi trường sống, thay đổi người chăm sóc trẻ.

- Chứng biếng ăn do nguyên nhân tâm thần: Rất ít gặp, chỉ chẩn đoán khi đã loại trừ các nguyên nhân kể trên, chứng biếng ăn xuất hiện sớm trong vòng 2 - 3 tháng đầu, trẻ không chịu ăn uống gì, kêu khóc, ngoài bữa ăn trẻ hoàn toàn bình thường.

Khắc phục thế nào?

Nếu biếng ăn lâu dài, trẻ sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng dẫn đến chậm phát triển cân nặng, chiều cao, suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, thiếu máu, còi xương và hậu quả cuối cùng là bị suy dinh dưỡng. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại càng biếng ăn hơn, điều này tạo thành một vòng xoắn bệnh lý rất khó điều trị. Vì vậy khi trẻ mới biếng ăn phải tìm cách khắc phục ngay, không nên để tình trạng biếng ăn kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Khi trẻ biếng ăn không nên cho trẻ nhịn ăn, càng nhịn ăn trẻ càng biếng ăn hơn, vì khi nhịn ăn men tiêu hoá không được tiết ra làm cho tình trạng biếng ăn càng trầm trọng. Nên cho trẻ ăn ít một nhiều bữa trong ngày, thay đổi cách chế biến, thay đổi thường xuyên các món ăn đa dạng trong ngày. Cho trẻ đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân biếng ăn ở trẻ điều trị kịp thời.

Cùng chuyên mục