Khuyến cáo cách bảo vệ sức khỏe, phòng dịch bệnh sau dịp nghỉ Tết

Minh Đức, icon
02:31 ngày 30/01/2020

VTV.vn - Không chỉ đề phòng dịch Corona, người dân cũng cần chủ động phòng ngừa các bệnh mạn tính tái phát, ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội.

Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, do tình hình thời tiết mưa lạnh và dịch bệnh virus Corona phức tạp nên người dân cần quan tâm đến việc tự bảo về sức khỏe bản thân…

Phòng bệnh cúm mùa, viêm phổi do virus Corona

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus Corona đang bùng phát ở Trung Quốc và lan mạnh ra các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhiều người dân cảm thấy hoang mang, lo lắng. Những ngày đầu sau tết, đã xuất hiện tình trạng một số người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế để phòng bệnh khi bắt đầu đi làm, đi học trở lại…

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng bệnh đúng cách chứ không nên quá hoang mang.

Để phòng bệnh, tốt nhất là không tiếp xúc với những người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ viêm phổi và cả những bệnh khác. Nếu có tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang để hạn chế bị lây bệnh. Nếu không có khẩu trang thì đơn giản là dùng tay che miệng, nhất là khi ho và hắt hơi.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khẩu trang y tế thông thường đủ khả năng phòng ngừa virus Corona (nCoV). Các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 và quần áo bảo hộ chỉ dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh hoặc cho người đi vào vùng dịch. Người dân không cần mua thuốc xịt hay các loại chất tẩy rửa chuyên dụng, khẩu trang đặc biệt vì tốn kém và không cần thiết. Chỉ cần vệ sinh nhà cửa bằng chất tẩy rửa thông thường cũng giúp phòng dịch bệnh hiệu quả.

Đề phòng các bệnh mạn tính tái phát

Dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, trời rét đậm nên số lượng người già nhập viện tăng nhẹ so với ngày thường. Nguyên nhân vì trời rét đậm, mạch máu co lại khiến người già bị tăng huyết áp, đối mặt với nguy cơ đột quỵ... Đồng thời, do thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống ngày Tết, nhiều người già có bệnh mạn tính quên uống thuốc định kỳ nên dễ bị tái phát.

Trong buổi sáng ngày 29/1, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Lão khoa trung ương đã tiếp nhận cùng lúc 4 bệnh nhân nhập viện với các bệnh, như: viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ…

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe sau kỳ nghỉ tết kéo dài và trước diễn biến thời tiết thất thường những ngày đầu xuân, người cao tuổi nên giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với người bị cảm cúm hay viêm đường hô hấp.

Khi đi ra đường nên đeo khẩu trang; hạn chế bắt tay; nên rửa tay thường xuyên. Mặt khác, việc ăn uống phải bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Khi thấy có các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, khó thở, yếu nửa người cần đi khám ngay.

Ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa

Báo cáo nhanh của Bộ Y tế về công tác khám chữa bệnh trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua cho thấy, các cơ sở y tế trên cả nước đã tiếp nhận tới 2.031 trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, trong đó có 415 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến.

Riêng tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 23/1 đến 28/1), các bệnh viện đã khám cho 17 trường hợp bị rối loạn tiêu hóa. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân cần loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông, những đồ ăn đã nấu đi nấu lại nhiều lần…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục