Kiểm soát lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện

Thủy Nguyễn, icon
11:20 ngày 19/10/2016

VTV.vn - Khi người bệnh bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc sẽ phải kéo dài thời gian nằm viện, kéo theo chi phí điều trị và tỉ lệ tử vong tăng.

Trong thời gian qua, công việc phòng chống, kiểm soát các vi khuẩn kháng thuốc, lây chéo, nhiễm chéo trong bệnh viện là một vấn đề nan giải của ngành y tế.

"Việc vi khuẩn kháng thuốc, lây nhiễm trong bệnh viện sẽ gây tác hại trực tiếp cho người bệnh cũng như nhân viên y tế. Với các nước đang phát triển và kém phát triển, trong đó có Việt Nam, vấn đề này dù được chú trọng nhưng sự quan tâm chưa đúng mức, hiệu quả chưa được như mong muốn" - ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết.

Tại hội nghị "Tăng cường triển khai các giải pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám, chữa bệnh" do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Viết Tiến cho biết Việt Nam đứng top đầu về tỉ lệ vi khuẩn kháng thuốc, các bệnh lây nhiễm chéo trong bệnh viện và tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi.

Theo Bộ Y tế, vấn đề phòng và kiểm soát vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện cần phải đặt ra nghiêm túc và có chiến lược giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong tình hình mới. Trên thực tế, đã có nhiều bài học khi bệnh nhân vào bệnh viện chỉ mắc một loại bệnh nhưng sau vài ngày nằm viện đã nhiễm nhiều vi khuẩn, virus, kí sinh trùng.

Ông Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, tình trạng lây chéo trong bệnh viện và vi khuẩn kháng thuốc có xu hướng gia tăng là do việc quản lý, lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự quan tâm đúng mức. Nhiều bệnh viện dù có Trung tâm chống nhiễm khuẩn nhưng đội ngũ cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm; kỹ năng, năng lực còn hạn chế và ít được quan tâm.

Đại diện Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc bệnh nhân từ các tỉnh liên tục dồn về bệnh viện, trong khi vi khuẩn sẽ lây từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác qua yếu tố trung gian là môi trường, khiến việc kiểm soát đang gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các biện pháp cách ly phải được tuân thủ chạy chẽ, khi phát hiện ra bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc phải phân họ ra một khu vực riêng và kiểm soát. Ngoài ra, một bệnh viện đơn lẻ không thể khống chế được tình trạng lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc mà cần các bệnh viện chung tay phòng chống.

Bộ Y tế cũng cho biết, tình trạng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh sẽ làm kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh, tăng chi phí điều trị, tăng tỉ lệ tử vong và nguy cơ lây nhiễm không chỉ ở bệnh nhân mà ở cả nhân viên y tế.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, kết quả giám sát của 16 bệnh viện lớn trên cả nước cho thấy xuất hiện 4 vi khuẩn kháng thuốc nhiều nhất ở các bệnh viện, trong đó có vi khuẩn kháng những kháng sinh mạnh hiện nay.

"Nếu tình hình kháng kháng sinh không được kiểm soát, những bệnh thông thường nhất cũng không có thuốc kháng sinh nào chữa được và càng ngày sẽ càng có nhiều người tử vong vì kháng kháng sinh" - ông Nguyễn Văn Kính chia sẻ.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rửa tay là biện pháp rẻ và hiệu quả nhất để phòng tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, kí sinh trùng… từ bệnh nhân, môi trường, dụng cụ y tế. Theo đó vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục