Làm gì khi trong vùng có người nhiễm virus Zika?

Thu Thủy, icon
03:59 ngày 09/08/2016

VTV.vn - Người dân sống trong vùng có người nhiễm virus Zika nên chủ động triển khai các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, để loại trừ đường lây truyền của virus Zika qua muỗi.

Ảnh: kienthuc.net.vn

Sau khi tỉnh Phú Yên ghi nhận một trường hợp dương tính với virus Zika vào ngày 28/7, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch Zika trên địa bàn tỉnh này, cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước.

Tính từ đầu năm đến nay, đây là trường hợp thứ 3 dương tính với virus Zika trong tổng số 2.380 mẫu đã xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trên cả nước. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã công bố hai người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa và TP.HCM.

Để có thêm thông tin về chủng virus Zika tại Việt Nam cũng như những cách phòng chống virus này, Báo điện tử VTV News đã có buổi trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

* Thưa ông cho biết, chủng virus Zika tại Việt Nam có nguy cơ gây hội chứng đầu nhỏ, dễ lây lan như chủng gây bệnh ở Nam Mỹ hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:

Chủng virus Zika phát hiện tại Việt Nam được xác định là chủng Zika châu Á, khác với chủng virus Zika đang lưu hành ở Nam Mỹ. Chủng virus Zika lưu hành ở Nam Mỹ có sự lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch lớn tại một số quốc gia như Brazil, Colombia, Venezuela... đồng thời tại các quốc gia khu vực Nam Mỹ cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Trong khi đó tại các nước khu vực châu Á, trong đó có các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Việt Nam... đã từng ghi nhận bằng chứng lưu hành virus Zika chủng châu Á từ những năm 2007, 2008, 2013 và gần đây là năm 2015-2016, tuy nhiên, không có hiện tượng bùng phát thành dịch như gây nên các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do mẹ bị nhiễm virus Zika một cách mạnh mẽ như châu Mỹ.

Thực trạng trên cho thấy, virus Zika chủng châu Á có thể có sự lây truyền và độc tính gây mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh thấp hơn so với virus Zika chủng Nam Mỹ. Tổ chức Y tế thế giới cũng đang thu thập thêm các bằng chứng khoa học để xác định sự khác biệt giữa hai chủng virus Zika này.

* Những người dân sống trong vùng có người nhiễm virus Zika, họ cần phải làm gì để phòng chống?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:

Virus Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes, một loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và qua đường tình dục, do đó người dân sống trong vùng có người nhiễm virus Zika nói riêng, người dân sống trong vùng có lưu hành muỗi Aedes hoặc bệnh sốt xuất huyết nói chung, nên chủ động triển khai các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy), lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng.

Đồng thời, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt như bể, lu... tránh muỗi đốt bằng ngủ màn, mặc quần áo dài tay để loại trừ đường lây truyền của virus Zika qua muỗi.

Ngoài ra, người dân cũng phải áp dụng các biện pháp tình dục an toàn như dùng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

* Sau khi phát hiện một số trường hợp nhiễm virus Zika, nhiều phụ nữ mang thai đang lo lắng, hoang mang, ông có lời khuyên nào cho họ?

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:

Theo Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo virus Zika là một trong những nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh từ những bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc chứng đầu nhỏ ở phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika là dưới 1%. Như vậy, không phải trường hợp nào bị nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai cũng sinh ra những em bé bị mắc chứng đầu nhỏ.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu sống trong vùng có người nhiễm virus Zika, nếu có biểu hiện sốt, phát ban hoặc đau mỏi cơ, đau mắt đỏ, nên đến các cơ sở y tế chuyên về sản khoa để được hướng dẫn khám sàng lọc và theo dõi sức khỏe kịp thời.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục