Mổ xuyên đêm cứu sống nam bệnh nhân bằng kỹ thuật lần đầu áp dụng tại Việt Nam

Linh Chi, icon
08:00 ngày 05/06/2021

VTV.vn - Nam bệnh nhân N.T.C. (51 tuổi, trú tại Đồng Nai) được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đau ngực dữ dội, đau lan ra sau lưng.

Ê-kíp phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Sau khi được tiến hành xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên Khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim.

Qua thăm khám, hỏi bệnh sử và xem xét kết quả CT-scan ngực, các bác sĩ Khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim đánh giá đây là một trường hợp bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được đội ngũ bác sĩ chẩn đoán phình động mạch chủ ngực vỡ, rò vào thực quản.

Một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa lập tức được tổ chức ngay trong đêm với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các khoa: Hồi sức - Phẫu thuật tim, Ngoại lồng ngực, Ngoại tiêu hóa, Tim mạch can thiệp, Nội soi, Bệnh nhiệt đới và Gây mê - Phẫu thuật tim.

Sau gần 30 phút hội chẩn và đánh giá tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ thống nhất phương án tối ưu cho bệnh nhân là mổ cấp cứu. Trong thời gian các bác sĩ hội chẩn, bệnh nhân cũng đã nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu cũng như chụp mạch vành.

Ê-kíp nội soi tiêu hóa tiến hành nội soi, xác định và ghi nhận vị trí rò động mạch chủ vào thực quản, các cuộc mổ được tiến hành, bắt đầu bằng phẫu thuật thay động mạch chủ ngực xuống bằng ống ghép được tạo ra từ màng ngoài tim bò đã qua xử lý, do các bác sĩ Khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim thực hiện. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Mổ xuyên đêm cứu sống nam bệnh nhân bằng kỹ thuật lần đầu áp dụng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đoạn ống ghép được tạo ra từ màng ngoài tim bò. Ảnh: BVCC

Bên cạnh đó, ê-kíp phẫu thuật còn sử dụng nhiều kỹ thuật cao như hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể nhưng không làm ngưng tim, cùng các kỹ thuật phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để bảo vệ tủy sống và tim trong quá trình phẫu thuật…

Sau đó, ê-kíp bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực tiến hành cắt bỏ thực quản, đưa thực quản ra da (để chuẩn bị cho cuộc mổ tái tạo thực quản sau này). Tiếp đến, ê-kíp Khoa Ngoại tiêu hóa bắt đầu tiến hành mở hỗng tràng để nuôi ăn cho bệnh nhân…

Ca phẫu thuật được kéo dài xuyên đêm với sự phối hợp ăn ý và khẩn trương của các bác sĩ, phẫu thuật viên… đến từ nhiều chuyên khoa khác nhau.

Sau cuộc mổ kéo dài 11 giờ đồng hồ, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc tích cực bởi các bác sĩ hồi sức, được truyền kháng sinh, hỗ trợ dinh dưỡng, hô hấp…

Tình trạng sức khỏe cải thiện từng ngày. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện. Ở những lần tái khám sau đó, các bác sĩ đều ghi nhận sự hồi phục nhanh chóng ở bệnh nhân sau khi thực hiện đúng phác đồ điều trị.

Ngày 4/6, bệnh nhân tiếp tục quay lại bệnh viện tái khám, với các xét nghiệm đều cho kết quả tốt, bệnh nhân ăn tốt qua sonde, vết mổ khô, da hồng hào, tự đi lại nhanh nhẹn…

Mổ xuyên đêm cứu sống nam bệnh nhân bằng kỹ thuật lần đầu áp dụng tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cùng các bác sĩ trong ngày tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

BSCK2 Nguyễn Thái An,Trưởng Khoa Hồi sức - Phẫu thật tim cho biết: Đối với bệnh nhân này, việc chẩn đoán phải được tiến hành thật nhanh để xác định đúng là bị rò động mạch chủ thực quản, bởi nếu không chẩn đoán đúng và giải quyết kịp thời, bệnh nhân sẽ bị tử vong do mất máu. Điểm thứ hai là cần phải giải quyết trước phần thương tổn ở động mạch chủ. Nhưng ở bệnh lý này, điểm đặc biệt chính là thương tổn phình động mạch chủ nằm trong một môi trường nhiễm trùng, nên cần có những phương án phẫu thuật đặc biệt và kỹ lưỡng. Nếu dùng những ống ghép thông thường để nối, chỉ sau vài tuần ống ghép có thể bị bung ra do môi trường nhiễm trùng, khiến bệnh nhân tử vong. Do đó, ê-kíp đã quyết định sử dụng vật liệu sinh học để tạo thành ống ghép.

Các bác sĩ đã dùng một màng ngoài tim bò đã qua xử lý, có kích thước 8cm x 14cm, cuộn và khâu lại thành một đoạn ống để thay vào đoạn động mạch chủ cần cắt đi. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một loại vật liệu sinh học là màng ngoài tim bò được sử dụng trong phẫu thuật động mạch chủ. Vật liệu này có tính đàn hồi và có khả năng chống nhiễm trùng tốt hơn các loại vật liệu cơ học.

Theo bác sĩ Nguyễn Thái An, đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên trong quá trình điều trị của bệnh nhân là giải quyết thương tổn ở động mạch chủ để giữ lại mạng sống. Bước tiếp theo, các bác sĩ đang tiếp tục điều trị cho bệnh nhân bằng toa thuốc ngoại trú, đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng tổng trạng của bệnh nhân lên, nhằm chuẩn cho một cuộc phẫu thuật tiếp theo. Đó chính là cuộc phẫu thuật tái tạo đường tiêu hóa, đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục