Mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường với bệnh đái tháo đường

Hoài Linh, icon
08:32 ngày 14/03/2019

VTV.vn - Một nghiên cứu mới ở Trung Quốc cho thấy: việc tiếp xúc với các phân tử khói, bụi độc hại là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Đây là kết luận vừa được các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Fuwai ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) và Đại học Emory của Mỹ công bố trên Tạp chí Environment International.

Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu đối với 88.000 người đến từ 15 tỉnh, thành Trung Quốc, từng tiếp xúc với các phân tử bụi mịn (nhỏ hơn 2,5 micrometer - µg, hay còn gọi là PM2,5) trong khoảng thời gian từ năm 2004 - 2015. Nhóm các nhà khoa học cũng đã điều chỉnh một số yếu tố như tuổi tác, chỉ số cơ thể, hút thuốc, tiền sử gia đình bị mắc bệnh đái tháo đường, mức độ hoạt động thể chất liên quan đến công việc song không tính trực tiếp đến chế độ ăn uống và các loại ô nhiễm khác.

Kết quả cho thấy: nguy cơ mắc tiểu đường tăng 16% đối với những người tăng tiếp xúc với 10µg/m3 bụi mịn trong thời gian dài.

Theo các tác giả công trình nghiên cứu, việc duy trì cải thiện chất lượng không khí sẽ giúp giảm bệnh tiểu đường ở Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí với bệnh tật, trong đó ô nhiễm là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần phải tìm thêm bằng chứng để tìm ra cách thức bụi mịn PM2,5 hoạt động trong cơ thể, làm gia tăng nguy cơ bị bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, căn bệnh này đang gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Một nghiên cứu do Mỹ công bố năm 2017 cho thấy: Trung Quốc là nước có số lượng người dân bị bệnh đái tháo đường cao nhất thế giới, với 11% dân số nước này mắc bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục