Mồng tơi – vị thuốc thường dùng

Nguyễn Liên, icon
07:33 ngày 23/10/2018

VTV.vn - Ngoài vai trò là một loại rau ăn, mồng tơi cũng là vị thuốc thường dùng trong y học dân gian với công dụng chữa nhiều loại bệnh phổ biến như táo bón, mụn nhọt.

Lá mồng tơi (Hình minh họa: agrifarming.in)

Ở nước ta, mồng tơi là loại rau ăn rất phổ biến. Mồng tơi kết hợp với cua, ngao là món canh "khoái khẩu", rất phổ biến ở làng quê Việt Nam. Ngoài ra, mồng tơi luộc hay mồng tơi xào cũng đều là những món ăn được rất nhiều người Việt yêu thích. Ngoài là món rau thơm ngon, mồng tơi cũng là bài thuốc hữu ích với rất nhiều công dụng.

Theo GS Đoàn Thị Nhu, PGS Phạm Duy Mai và PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm cùng nhiều nhà nghiên cứu khác trong cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật), mồng tơi có vị ngọt, chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hóa tràng, lương huyết, giải độc. Loại cây này thường được dùng để chữa đại tiện táo bón, tiểu tiện khó, tiêu chảy ra máu, da nổi ban, mụn nhọt.

Theo đó, khi bị táo bón, lấy lá và cành non mồng tơi nấu canh ăn. Hoặc dùng bài thuốc có rau mồng tơi 50g, rau đay 50g, 1 – 2 củ khoai sọ, rửa sạch, thái nhỏ để nấu, ăn trong ngày. Một bài thuốc trị táo bón khác có mồng tơi là phối hợp 4 loại rau (rau mồng tơi, rau má, rau đay, rau lang), mỗi thứ 50g thái nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, uống trong ngày. Theo các chuyên gia y hoc cổ truyền, những người cao tuổi bị bệnh táo bón nên dùng rau mồng tơi để ăn hàng ngày. Lưu ý, những người cơ thể tỳ lạnh, đại tiện phân lỏng không nên dùng mồng tơi.

Ngoài công dụng trị táo bón, mồng tơi còn có công dụng hữu hiệu trong chữa mụn và mụn đầu đinh. Cụ thể, lấy lá mồng tơi 50g, lá ớt 50g, xương rồng bà có gai (một khúc cành cạo sạch gai) rửa sạch, giã nát để đắp lên vết mụn, ngày thay thuốc một lần. Bên cạnh đó, kết hợp uống cùng nước sắc lá bồ công anh 20g, măng tre 20g, gừng 8g trong từ 3 đến 5 ngày. Lá mồng tơi giã nát để đắp cũng là bài thuốc thường xuyên được sử dụng để chữa chứng đầu vú nứt nẻ ở phụ nữ.

Ở nước ngoài, không chỉ lá rau mồng tơi mà các bộ phận khác của loại cây này cũng rất được tin dùng trong chữa bệnh. Tại đất nước Malaysia, lá mồng tơi giã nát, dùng đắp bên ngoài cũng có công dụng chữa mụn nhọt. Ở Indonesia, nước sắc của lá dùng làm thuốc tẩy nhẹ cho trẻ em. Dịch ép của lá với một ít nước chanh và nước dừa thường được dùng cho phụ nữ có mang, còn các bà đỡ thường cho phụ nữ đẻ uống hỗn hợp dịch ép từ lá mồng tơi và lá dâm bụt. Lá mồng tơi phối hợp với riềng và giấm là bài thuốc chữa thổ tả. Ở Philippin, rễ mồng tơi giã nát đắp ngoài làm thuốc tiêu sưng, dịch ép từ rễ bôi lại có công dụng chữa trứng cá.

Ngoài các công dụng chữa bệnh trên, nhiều phụ nữ còn dùng hạt mồng tơi bỏ vỏ phơi khô, tán thành bột mịn, trộn với mật ong, bôi hàng ngày lên mặt có tác dụng giúp cho da mặt trở nên mịn màng tươi sáng. Bột mồng tơi trộn với phấn hoa cũng có công dụng trong điều trị bệnh rôm sảy. Ở Trung Quốc, chất màu của loại mồng tơi tía được dùng để chế phấn bôi da và sáp môi. Quả mồng tơi tía cũng được dùng để nhuộm đỏ các loại bánh, mứt, nếu thêm ít nước chanh màu sẽ tươi lên. Tuy nhiên, không được dùng quá nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục