Nghệ An: 4 trường hợp tử vong do bệnh dại

Linh Chi, icon
06:30 ngày 24/07/2019

VTV.vn - Tất cả số người tử vong đều bị chó dại cắn và không tiêm vaccine, huyết thanh phòng dại mà tự điều trị bằng thuốc lá, thuốc nam.

Trong những năm gần đây, Nghệ An liên tiếp xuất hiện các ổ dịch dại do chó cắn người hàng loạt và có nhiều trường hợp tử vong. Theo báo cáo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong ở các huyện: Nam Đàn, Diễn Châu, Đô Lương, Kỳ Sơn.

Bệnh dại là bệnh nguy hiểm tối cấp, người bệnh khi đã lên cơn dại rồi thì không có khả năng chữa khỏi bệnh. Bệnh dại có thể phòng được bằng cách tiêm vaccine. Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vaccine phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.

Việc xử trí đúng vết thương khi bị chó/mèo cắn là rất quan trọng vì khi xử trí vết thương đúng sẽ có tác dụng giảm tới mức tối thiểu lượng virus xâm nhập tại vết thương. Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút dưới vòi nước chảy và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Sau đó bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

Nghệ An: 4 trường hợp tử vong do bệnh dại - Ảnh 1.

Các bác sĩ cũng lưu ý: Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phong bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.

Việc điều trị dự phòng bằng vaccine phòng dại cho người bị chó cắn đúng và đủ, liều là vô cùng quan trọng. Việc chỉ định tiêm vaccine hay kháng huyết thanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần căn cứ vào tình trạng con vật cắn và mức độ của vết cắn. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định có nên tiêm phòng hay không. Trong trường hợp con vật không thể theo dõi hoặc con vật chết cần phải tiêm phòng càng sớm càng tốt có thể phải tiêm kết hợp kháng huyết thanh và vaccine; trường hợp con vật còn sống, theo dõi được có thể không tiêm hoặc hoãn tiêm.

Theo hướng dẫn của WHO có thể phân loại 3 cấp độ:

Cấp độ I: Khi người sờ hay cho súc vật ăn hoặc súc vật liếm trên da khuyến cáo không điều trị nếu con vật có tiền sử đáng tin cậy.

Cấp độ II: Khi súc vật gặm vùng da trần, những vết cào xước nhẹ không chảy máu hoặc liếm trên da có vết trầy khuyến cáo nên tiêm vaccine ngay.

Cấp độ III: Khi có 1 hay nhiều vết cắn hay cào xuyên thấu da, niêm mạc bị nhiễm nước dãi của súc vật khuyến cáo nên tiêm kháng huyết thanh và vaccine phòng dại ngay lập tức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục