Người chạy thận - Đừng để ăn Tết hại thân

Bùi Thảo, icon
07:00 ngày 19/01/2023

VTV.vn - Ngày Tết, người bệnh thận vẫn phải thực hiện một chế độ ăn phù hợp với bệnh để không xảy ra những biến chứng đột ngột.

Hình minh hoạ.

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng, có thể nói, thận là "cửa ngõ" của cơ thể với vai trò cực kỳ quan trọng là đảm bảo hằng định nội môi cho cơ thể thông qua việc đào thải các chất độc và đảm bảo cân bằng nước cùng các chất điện giải qua con đường nước tiểu.

Khi thận bị suy, các chức năng này bị mất nên người bệnh phải được điều trị bằng các biện pháp thay thế thận như lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng, ghép thận để loại bỏ các độc chất và lượng nước dư thừa trong máu. Sau đây là một số điểm mà người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần chú ý khi ăn uống:

Ăn đủ protein giá trị sinh học cao

Mỗi một cuộc lọc máu, người bệnh mất đi khoảng 10-13g acid amin, 30g đường và một số các yếu tố vi lượng khác. Như vậy, với người bệnh lọc máu chu kỳ nếu cứ dùng chế độ ăn giảm đạm như trong điều trị chưa lọc máu thì chắc chắn người bệnh sẽ bị suy dinh dưỡng do thiếu đạm. Ngược lại nếu ăn quá nhiều protein, ăn tự do thì nồng độ ure máu trước kỳ lọc tăng cao, người bệnh lại rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán ăn…

Do đó, đối với người bệnh lọc máu chu kỳ, chế độ ăn được nâng cao nhưng phải bỏ quan niệm ăn uống tự do, tùy ý và phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Đảm bảo năng lượng để duy trì cân nặng và thể trạng cho người bệnh. Nhu cầu khoảng 30 – 35 Kcalo/kg/ngày.

– Đủ đạm, lượng đạm cung cấp phải đủ cho hoạt động bình thường cũng như để bù đắp một phần cho lượng đạm bị mất đi trong quá trình lọc máu. Người bình thường cần 1g/kg/ngày thì người bệnh lọc máu cần 1,2 – 1,4 g/kg/ngày. Dùng các đạm quý như thịt nạc, tôm, trứng, cá, cua… Khoảng 50% năng lượng được cung cấp từ các chất đường như gạo, đường, quả ngọt… (không áp dụng cho người bệnh đái tháo đường có suy thận – lọc máu).

Giảm thiểu muối

Thận suy đã mất khả năng thải trừ muối qua nước tiểu nên khi người bệnh ăn nhiều muối sẽ tích nước gây phù, làm huyết áp tăng, phù phổi cấp, thậm chí có thể có triệu chứng của hội chứng tăng natri máu như đau đầu, nôn, dấu hiệu mất nước, và nặng hơn có thể hôn mê và tử vong.

Mặt khác, khi ăn mặn, người bệnh sẽ phải uống nhiều nước và điều này làm dư thừa lượng nước trong cơ thể quá nhanh và phải chạy thận nhân tạo nhiều lần hơn. Người bệnh suy thận mạn nên ăn nhạt với lượng muối 2-3g/ngày. Tránh các thức ăn mặn như nước mắm, mì ăn liền, đồ hộp mặn, trứng muối, cá biển…

Tránh các thức ăn chứa nhiều kali

Tăng kali máu luôn là một biến chứng nguy hiểm hàng đầu ở những người bệnh suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ. Bình thường, lượng kali trong máu dao động trong khoảng từ 3.5 – 5mmol/l và được thận điều chỉnh đào thải ra ngoài rất nhanh qua nước tiểu nếu lượng kali từ thức ăn đưa vào quá nhiều.

Ở người suy thận giai đoạn cuối, chức năng đào thải kali của thận gần như bằng không nên nguy cơ tăng kali máu luôn luôn hiện hữu và khi kali máu tăng cao, người bệnh có thể tử vong do loạn nhịp tim. Các thức ăn nhiều kali bao gồm các loại quả như chuối, đu đủ, dưa hấu, vải,… và một số loại thực phẩm đóng hộp. Một số loại sữa cũng có ghi rõ lượng kali trên nhãn mác và người bị suy thận có thể tham khảo trước khi dùng.

Hạn chế phốt pho

Phốt pho có trong hầu hết các loại thực phẩm cùng với canxi và vitamin D để giữ cho xương khỏe mạnh. Khi thận khỏe mạnh sẽ giữ lượng phốt pho phù hợp trong cơ thể của bạn. Nhưng khi bị suy thận, thận không hoạt động tốt, phốt pho có thể tích tụ nhiều trong máu, dẫn đến dư nhiều phốt pho. Hậu quả gây ra cường cận giáp, loãng xương và dễ gãy, xơ vữa mạch máu, khô da gây ngứa, đỏ mắt…

Người bệnh suy thận cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều phốt pho, chỉ dùng trong khoảng 300-600 mg/ngày. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh thận, bác sĩ cũng có thể kê đơn một loại thuốc gọi là chất kết dính phốt phát, giúp thải phốt pho ra khỏi cơ thể. Do đó, người suy thận cần theo dõi lượng phốt pho ăn hàng ngày bằng cách tránh thực phẩm có chứa nhiều phốt pho như phô mai, sữa, các loại rau họ đậu, ngũ cốc nguyên cám, vỏ bánh mì, socola sẫm màu, cá khô, các loại hạt…

Điều chỉnh lượng nước vào cơ thể

Khi suy thận nặng, năng lực thải trừ nước cũng giảm đi, lượng nước đưa vào cơ thể phải dựa trên lượng nước tiểu của ngày hôm trước. Nếu uống nước tự do, thoải mái, thận không thải được nước ra khỏi cơ thể, nước sẽ bị giữ lại ở tế bào não, tim, phổi… gây phù não, tràn dịch màng tim, màng phổi, màng bụng, huyết áp tăng, tim làm việc nhiều hơn sẽ nhanh chóng dẫn đến suy tim. Người bệnh sẽ có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, khó thở…

Quy tắc đơn giản sau đây có thể sử dụng để tính toán lượng nước đưa vào: Lượng nước uống = nước tiểu ngày hôm trước +500 ml.

Trong những ngày Tết, người bệnh thường kiêng khem quá mức gây mệt mỏi, hạ đường huyết hoặc ăn nhiều quá mức quy định khiến tăng kali, phù phổi. Ngoài ra, nhiều người bệnh có lịch trình du xuân, chúc Tết bận rộn mà không tuân thủ lọc máu định kỳ và các chế độ điều trị phối hợp cũng dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

Do đó, bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh chạy thận nhân tạo cần tuân thủ điều trị bằng thuốc và tăng cường tập thể dục, có chế độ ăn hợp lý. Từ đó, người bệnh sẽ giữ được sức khỏe và duy trì chất lượng cuộc sống dù thận không còn hoạt động tốt.

Trong điều trị bất cứ bệnh lý nào, dinh dưỡng cũng luôn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị cũng như khả năng phục hồi sức khỏe của người bệnh. Người bệnh nên có một chế độ dinh dưỡng khoa học và tuân đúng theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ để có sức khỏe tốt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục