Người phụ nữ bị đột quỵ khi đang làm việc ca đêm

P.V, icon
04:15 ngày 29/03/2024

VTV.vn - Đây là 1 trong số 6 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ vào điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 21/3 vừa qua.

Bệnh nhân nữ 40 tuổi, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng hôn mê, thở máy. Khai thác tiền sử bệnh được biết bệnh nhân tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc.

3h30 ngày 21/3, khi đang làm việc ca đêm như thường ngày, bệnh nhân đột ngột đau đầu rồi rơi vào hôn mê. 

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu đồi thị phải - cuống não với thể tích máu tụ 60ml. Bệnh nhân được điều trị hồi sức thần kinh kết hợp hội chẩn liên khoa giữa Trung tâm Đột quỵ và Khoa Phẫu thuật thần kinh.

Tuy nhiên, với lâm sàng hôn mê sâu, vị trí chảy máu nguy hiểm, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 36 tuổi, cũng tiên lượng phục hồi rất chậm sau đột quỵ.

Bệnh nhân được đồng nghiệp phát hiện liệt nửa người phải, thất ngôn, được điều trị tiêu huyết khối vào giờ thứ 3 kể từ khi khởi phát.

Tại Trung tâm Đột quy, sau khi thăm khám, chụp MRI, DSA làm chẩn đoán, các bác sĩ xác định bệnh nhân nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong - não giữa trái giờ thứ 12, Moyamoya. Đây là bệnh lý hiếm gặp của mạch máu não, bệnh tiến triển mạn tính gây hẹp dần, tắc động mạch cảnh trong sọ và các mạch máu nhỏ tăng sinh để bù trừ.

4 trường hợp còn lại gồm: Bệnh nhân nữ 45 tuổi, đột quỵ giờ thứ 6 với chẩn đoán nhồi máu não do lóc tách động mạch cảnh trong phải - tắc động mạch não giữa phải; Bệnh nhân nam 36 tuổi (đột quỵ khi đang chơi cầu lông) với chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa phải đoạn M1; Bệnh nhân nữ 32 tuổi, nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong phải giờ thứ 1; Bệnh nhân nữ 42 tuổi, huyết khối tĩnh mạch não - huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Cả 4 bệnh nhân đều được tái thông hiệu quả, cơ hội trở lại với cuộc sống gần như bình thường.

Trong thời gian gần đây, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai liên tục quá tải bởi tiếp nhận người bệnh. PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ đưa ra 3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ ở cả người trẻ và các nhóm đối tượng khác như sau:

- Mỗi người nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.

- Tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường...

- Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt…) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục