Người phụ nữ phải cắt cụt chân do biến chứng đái tháo đường

Linh Chi, icon
10:19 ngày 20/07/2022

VTV.vn - Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng đái tháo đường.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân P.T.Q. (40 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Ninh), làm nghề đánh bắt cá trên biển) được chuyển tuyến trong tình trạng nhiễm trùng bàn cẳng chân lan rộng do biến chứng thần kinh ngoại vi - đái tháo đường mất cảm giác bàn chân và không được điều trị kịp thời.

Tại thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cẳng bàn chân trái loét diện rộng, sưng nề tấy đỏ, dịch thấm băng nhiều kèm mùi hôi thối do hoại tử; sốt trên 38 độ C có những cơn rét run.

Sau khi tiếp nhận, tình trạng bệnh diễn biến nhanh và xấu, vết loét hoại tử lan rộng lên trên đùi và một phần bộ phận sinh dục; nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, viêm phổi, suy tim, suy kiệt cơ thể, biến chứng thần kinh ngoại vi, rối loạn chuyển hóa lipid.

Sau khi được cấp cứu tích cực, hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định theo dõi viêm cân mạc hoại tử chi dưới lan rộng, phẫu thuật cấp cứu cắt tháo chi trái để bảo toàn tính mạng.

ThS.BS. Nguyễn Ngọc Thiện, Phó khoa Chăm sóc bàn chân, bác sĩ điều trị và phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân nhận định: Bệnh nhân nằm trong trường hợp viêm hoại tử cân mạc cẳng chân lan rộng. Để cứu tính mạng, cần phải cắt bỏ chi của bệnh nhân.

Với tình trạng trên, phần lớn phải chỉ định cắt cụt đùi. Tuy nhiên, do bệnh nhân còn trẻ, với mong muốn giữ tối đa chiều dài của chi cắt cụt để sau phẫu thuật có thể sử dụng chân giả cho bệnh nhân sinh hoạt, lao động và hòa nhập cộng đồng, kíp phẫu thuật đã thảo luận chi tiết trước khi tiến hành quyết định cắt cụt 1/3 giữa cẳng chân cho bệnh nhận.

Với chỉ định cắt cụt cẳng chân, việc chăm sóc mỏm cụt cẳng chân sau phẫu thuật sẽ khó khăn cho việc liền vết thương mỏm cụt. Đồng thời, tình trạng biến chứng nặng nguy cơ rủi ro cao trong và sau quá trình phẫu thuật có thể xảy ra. Do vậy, sau phẫu thuật cắt cụt cẳng chân, các bác sĩ vẫn phải tiến hành các thủ thuật như: rạch rộng, cắt lọc phần hoại tử ở đùi, khoeo và hầu hết phần mỏm cụt hàng ngày. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực (kháng sinh thích hợp, kiểm soát đường huyết, truyền máu, bổ sung dinh dưỡng…).

Ngoài ra, bệnh nhân còn được xử trí bơm hút rửa phần hoại tử đùi và mỏm cụt thường xuyên. Khu vực viêm loét ở đùi, khoeo, mỏm cụt được đặt máy hút áp lực âm liên tục nhằm giúp loại bỏ dịch tiết, giảm phù nề, cải thiện cung cấp máu đến mô và thúc đẩy quá trình liền vết thương.

Sau gần 2 tháng theo dõi, điều trị tích cực, bệnh nhân đã phục hồi thể trạng, vết thương tại khu vực phẫu thuật đã liền, ăn uống sinh hoạt bình thường và được xuất viện. Trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị để kiểm soát đường huyết và tiến hành tập phục hồi chức năng, lắp chân giả để tái hòa nhập cộng đồng.

Biến chứng bàn chân do đái tháo đường để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với người bệnh và xã hội. Cắt cụt chi là biện pháp cuối cùng để ngăn vùng hoại tử ở chân mở rộng, nhằm đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Các vùng hoại tử này thường bắt nguồn từ các vết loét, nhiễm trùng bàn chân hoặc tắc mạch chân nhưng không được điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục