Nhìn mờ - Bệnh lý không chỉ tại mắt

P.V, icon
09:24 ngày 06/01/2020

VTV.vn - Có nhiều nguyên nhân khiến mắt bị mờ từ từ hoặc đột ngột như tật khúc xạ, viêm nhiễm... Đôi khi, bệnh lý của các cơ quan khác có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân N.T.T. (76 tuổi, trú tại An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) đã phẫu thuật thay thủy tinh thể 2 mắt cách đây 3 năm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nhìn rất rõ, 6 tháng trở lại đây thấy mắt phải nhìn mờ dần đi, kèm theo đôi lúc đau đầu.

Thấy mắt có hiện tượng mờ hẳn, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Khi tới khám, mắt phải của bệnh nhân đã không còn thấy ánh sáng.

Tiến hành kiểm tra, bác sĩ nhận thấy: Tổn thương đáy mắt không tương xứng với mức độ mất thị lực. Nghi ngờ có tổn thương ở cơ quan khác chèn ép khiến mắt không thể nhìn được, bác sĩ chỉ định chụp CTScanner sọ não. Kết quả cho thấy: Bệnh nhân có khối u não khá lớn.

Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp Khoa Mắt, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận người bệnh nhìn mờ đến khám với thị lực giảm, nhưng lại không phải là các bệnh lý về mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì không những khiến người bệnh mất đi thị lực mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Một số nguyên nhân có thể khiến mắt mờ liên quan đến 1 số bệnh lý khác như: u não, viêm xoang, biến chứng võng mạc của các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, dùng thuốc chống lao... Ngoài ra, người bệnh có thể gặp 1 số triệu chứng khác như: đau đầu, buồn nôn, nhìn mờ 1 phía, ám điểm trước mắt, liếc đau, đồng tử giãn...

Vì vậy, khi thấy dấu hiệu bất thường ở mắt người bệnh cần được khám chuyên khoa mắt để được phát hiện tổn thương tại mắt hoặc bệnh lý kèm theo để được điều trị kịp thời.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục