Những thực phẩm người bệnh đái tháo đường cần hạn chế "đụng đũa"

Tuấn Bảo, icon
06:00 ngày 09/02/2020

VTV.vn - Với bệnh nhân đái tháo đường, bên cạnh việc điều trị thuốc, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh.

Hình minh họa.

ThS.BS Nguyễn Văn Nguyên, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cho biết: Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.

Bệnh nhân mắc đái tháo đường có các biến chứng thường gặp gồm biến chứng cấp tính như: Hạ đường máu, toan ceton, toan acid lactic và Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Các biến chứng mạn tính như: Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipit, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu (cắt cụt chi), thận, mắt, thần kinh.

Với người bệnh đái tháo đường thức ăn cần phải được coi như thuốc để duy trì chỉ số đường huyết ổn đinh. Chỉ số đường huyết chính là khả năng làm tăng đường máu sau khi ăn của loại thức ăn đó. Chỉ số đường huyết được coi là một chỉ tiêu để lựa chọn thực phẩm. Các thực phẩm với chỉ số đường huyết thấp làm tăng đường máu từ từ và chậm sau ăn. Các thực phẩm với chỉ số đường huyết cao làm tăng đường máu nhanh và cao mức sau ăn.

Lựa chọn thực phẩm cho người bệnh đái tháo đường thế nào?

ThS.BS Nguyễn Văn Nguyên lưu ý: Về nguyên tắc dinh dưỡng cần đảm bảo đủ năng lượng, các chất glucid, protid, chất xơ, chất béo (ưu tiên lựa chọn chất béo có nguồn gốc thực vật). Bên cạnh đó, đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất, chú ý tăng cường canxi, vitamin A, vitamin C, vitamin E. Thường ăn 3 bữa/ngày và ổn định giờ ăn, chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Nhóm chất bột: gạo, mì, ngô, khoai, sắn… Nên chọn: gạo lứt, bánh mì đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, gạo trắng hoặc các thực phẩm qua tinh chế.

Nhóm chất đạm: tăng cường các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo: thịt bò, thịt gà, cá, tôm…Đạm thực vật: đậu tương, đậu nành.

Nhóm chất béo: Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng…

Nhóm rau: Đa dạng các loại rau, nhất là các loại rau mềm, non

Nhóm quả: Các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình: gioi, thanh long, bưởi, ổi, cam, đu đủ chín

Nhóm sữa: các loại sữa có chỉ số đường huyết thấp.

Thực phẩm hạn chế

Bao gồm: Các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như: miến dong, bánh mì trắng, khoai củ chế biến dưới dạng nướng…; Phủ tạng động vật như: tim, gan, bầu dục, những thực phẩm chế biến sẵn như thịt, cá hộp, giò chả…; Mỡ động vật; Các loại quả có hàm lượng đường cao: táo, na, nhãn, vải, mít, chuối, hồng xiêm, chôm chôm…

Thực phẩm không nên dùng

Bao gồm: Các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường; Các loại quả sấy khô; Rượu, bia, nước ngọt có đường.

Khi chế biến thực phẩm cần hạn chế các món rán. Các loại mỡ động vật (thịt gà ăn bỏ da). Các loại củ không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao. Hạn chế các loại nước quả ép, xay sinh tố; nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ.

Nên ăn món luộc, hấp, chế biến mềm nhừ dễ tiêu hóa. Hạn chế các món rán, các loại mỡ động vật. Thịt gà ăn nên bỏ da.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục