Phải làm gì khi có biểu hiện sốc phản vệ?

Minh Đức, icon
06:19 ngày 27/12/2016

VTV.vn - Sốc phản vệ có thể xảy ra với các thủ thuật can thiệp vào người bệnh cũng như các vật thể lạ đưa vào cơ thể người bệnh như thuốc men hay vaccine...

Ngày 25/12, hai bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện Đa khoa Trí Đức - Hà Nội đến cấp cứu tại viện Bạch Mai bị tử vong nghi do sốc phản vệ. Được biết, sau khi tiêm thuốc gây mê giai đoạn 2 được 30 giây, cả 2 bệnh nhân đều có dấu hiệu sốc phản vệ. Dù đã được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến viện Bạch Mai nhưng cả hai đều tử vong.

Nói về vấn đề bệnh nhân bị sốc phản vệ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (BV Nhiệt đới TW) cho biết, đây là một tai biến rất nguy hiểm trong y khoa và có tỷ lệ tử vong cao. Riêng vấn đề gây mê trong phẫu thuật, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tai biến có thể xảy ra với các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh cũng như các vật thể lạ đưa vào cơ thể người bệnh như thuốc men hay vacxin...

Trong 1 kip mổ, bác sĩ gây mê là người chịu trách nhiệm về chuyên môn, quyết định về kỹ thuật gây mê, các thủ thuật trên người bệnh. Trước khi bước vào phòng phẫu thuật để gây mê cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ phải thăm khám lâm sàng và xét nghiệm bệnh nhân trước. Phần lớn các trường hợp tử vong sốc phản vệ đều do bị dị ứng mạnh với thuốc. Đây là phản ứng dị ứng cấp của cơ thể, bệnh nhân có thể tử vong sau một vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Bởi sốc phản vệ sẽ xảy ra với tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Biểu hiện của bệnh nhân thường thấy là khó thở, tím tái, suy hô hấp, tụt huyết áp nhanh, trụy tim, đau đầu, chân tay bủn rủn, co giật toàn thân... Khi bệnh nhân xảy ra sốc phản vệ, cần phải ngừng ngay tiếp xúc với các dị nguyên.

Ở người bị sốc phản vệ nhẹ, bệnh nhân chỉ có triệu chứng ban đầu là nôn, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp thấp, khó thở, chóng mặt hoặc nổi mẩn. Ở người bị sốc phản vệ mức độ trung bình, bệnh nhân sẽ có triệu chứng như da tím tái, niêm mạc nhợt, huyết áp thấp, đồng tử giãn, khó thở, ngứa ran khắp người. Trường hợp nặng, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào hôn mê, da tím tái, mạch và huyết áp đều không đo được. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong sau vài phút.

Để tránh hiện tượng sốc phản vệ, bệnh nhân có tiền sử dị ứng hãy trao đổi với bác sĩ đơn thuốc để tránh bị dị ứng khi dùng thuốc. Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy cơ thể có cảm giác khác lạ thì phải báo ngay với bác sĩ để kịp thời xử lý sốc phản vệ. Khi tiêm thuốc xong, nên ở lại phòng tiêm khoảng 15 đến 30 phút để đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn. Sốc phản vệ cũng có thể xảy ra với đồ ăn, vậy nên khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể trước.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục