Phòng tránh trẻ bị ngộ độc và tai nạn do pháo vào dịp Tết

P.V, icon
06:31 ngày 18/01/2020

VTV.vn - Tết là thời điểm gia đình được nghỉ ngơi, quây quần bên nhau. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm trẻ được thoải mái vui chơi dẫn đến nhiều tai nạn trong sinh hoạt.

Hình minh họa.

Để giúp các bậc phụ huynh biết và phòng ngừa những nguy hiểm rình rập trẻ trong ngày Tết, các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An chỉ ra cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc chất gia dụng và phòng tránh tai nạn do pháo nổ:

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm

Ngày Tết, trẻ thường ăn uống quá nhiều thức ăn, đặc biệt là các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ và đường. Ngoài ra, nguồn thực phẩm không sạch và nước có gas ngày Tết càng khiến trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm ngày Tết thường biểu hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn khoảng 1 giờ trở đi. Nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục. Đau bụng quằn quại từng cơn, nôn mửa, sốt, tiêu chảy...

Khi trẻ bị nôn sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.

Ngay khi có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, bạn nên bù đủ dịch sớm bằng uống dung dịch có chất điện giải, ăn thức ăn lỏng, nhẹ và ít chất béo. Khi có dấu hiệu mất nước hay dấu hiệu tăng lên đến mức báo động, mẹ phải nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết, các mẹ cần kiểm soát chặt chẽ việc ăn uống của trẻ, bảo quản thức ăn hợp vệ sinh; không cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt.

Trẻ bị ngộ độc hóa chất gia dụng

Trẻ có tính tò mò thường nhầm các loại hóa chất độc hại thành đồ uống nên uống vào. Thông thường, trẻ dưới 6 tuổi là đối tượng có nguy cơ bị ngộ độc hóa chất cao nhất.

Trước tiên, cần tìm cách loại bỏ bớt độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách giúp trẻ tự nôn ói. Cho trẻ uống nước lọc hoặc sữa ấm, cởi bỏ quần áo để ngăn chất độc thấm vào cơ thể. Nếu trẻ bị ngưng tim ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo và xoa tim ngoài lồng ngực để giúp bệnh nhân hồi tỉnh. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Tuyệt đối không móc họng trẻ để gây nôn. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì sẽ dẫn đến trầy rách niêm mạc miệng, hầu, họng của trẻ.

Các hóa chất sử dụng trong gia đình phải được cất tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ. Những chất có độc tính cao ( các dung môi pha sơn, các hóa chất diệt côn trùng như thuốc xịt muỗi...) cần để những hộp riêng và luôn có khóa an toàn. Không dùng chai nước suối, nước ngọt để đựng dầu hỏa hay hóa chất.

Phòng tránh cho trẻ không bị tai nạn do pháo

Những tai nạn do pháo xảy ra thường rất thương tâm. Mặc dù việc đốt pháo bị cấm, nhưng ở nhiều nơi vào dịp Tết, pháo vẫn hay được sử dụng. Nhiều gia đình cho trẻ về quê chơi vào ngày Tết nhưng không sát sao, dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị thương do tiếp xúc với vật liệu cháy nổ.

Chính vì thế, dù cho trẻ đi đâu chơi Tết thì mọi người luôn phải dặn dò trẻ về những hậu quả khôn lường của pháo và trông trẻ thật cẩn thận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục