Số người chết do tự tử đứng thứ 2 sau nguyên nhân chết do tai nạn giao thông

Tuấn Bảo, icon
08:04 ngày 10/09/2018

VTV.vn - Vấn đề tự tử ít được mọi người chú ý nhưng mức độ nghiêm trọng của nó cũng không kém phần dịch bệnh cướp đi sinh mạng con người.

Hình minh họa (Ảnh: parashospitals).

Một thống kê mới đây cho thấy: số người chết do tự tử hiện chiếm tới 33,7%, xếp thứ 2 sau nguyên nhân chết do tai nạn giao thông. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 800,000 người tử vong do tự tử và cứ mỗi người chết vì tự tử thì có khoảng 25 người tự tử thất bại. Có rất nhiều bi kịch xảy ra và rất nhiều người đã chọn tự tử là cách giải thoát cho chính họ.

Ngày Thế giới Phòng, chống tự tử 10/9, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về tác hại từ hành vi tự tử, đồng thời thúc đẩy các quốc gia hành động để ngăn chặn việc thực hiện hành vi này. Tự tử hoàn toàn có thể ngăn ngừa được, việc ngăn ngừa tự tử cần bắt đầu từ khâu phát hiện sớm những dấu hiệu của người có ý định tự tử để kịp thời ngăn chặn và cứu giúp.

Những dấu hiệu thường thấy ở những người có ý định tự tử:

- Người có ý định tự tử thường nói về cái chết hoặc sự trừng phạt bản thân, ví dụ: "thà chết đi cho khuất mắt, chết khỏi khổ; chẳng còn gì quan trọng nữa...".

- Chuẩn bị các phương tiện để tự tử

Họ tìm kiếm, chuẩn bị dao, kiếm, thuốc ngủ, dây hoặc thường tới những nơi có thể tự tử như hành lang nhà cao tầng, cầu, sông, hồ,…

- Thể hiện sự quan tâm bất thường về cái chết, như làm thơ, viết nhật ký, tự truyện có đề cập đến cái chết và sự ra đi của mình.

- Bày tỏ sự vô vọng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Trong lời nói, thư từ, facebook của người có ý định tự tử thường thường thể hiện sự vô vọng, không thiết sống.

- Có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, vô giá trị hoặc chán ghét bản thân. Họ thường nói về tội lỗi hoặc gánh nặng của bản thân mình đối với những người xung quanh.

- Sắp xếp lại tư trang, cho đi các đồ vật có giá trị hoặc liên lạc với các thành viên gia đình và bạn bè, như nhờ ai đó giúp gửi lời nhắn tới gia đình, tới người thân...

- Có thể bất ngờ tới thăm hoặc gọi điện cho người thân và bạn bè và nói những lời vĩnh biệt hoặc nhắn gửi, ám chỉ sự chia tay…

- Trong thời gian trầm cảm, bế tắc, người có ý định tự tử thường sống khép mình, tự cô lập mình với người thân, bạn bè.

- Từ ăn, ngủ thất thường, có các xích mích, xung đột với mọi người xung quanh; sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích nhiều hơn bình thường; có lối sống buông thả…

Một số lưu ý khi giúp đỡ người có ý định tự tử:

- Lắng nghe họ và khuyến khích họ nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ. Hãy điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói. Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.

- Khuyến khích họ thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan như lôi kéo họ vào các hoạt động thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích.

- Di chuyển họ tránh xa những đồ vật có thể giúp tự tử như dao, kéo, nhà cao tầng, thuốc ngủ...

- Tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ kể cả khi họ nói không còn ý tưởng tự tử nữa. Vì lúc này họ rất cần sự quan tâm giúp đỡ của mọi người xung quanh để cần bằng cuộc sống. Tự tử là một cái chết có thể được ngăn chặn, điều quan trọng đối với mỗi chúng ta là không ngừng quan tâm, chăm sóc, sức khỏe tinh thần của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng để phòng ngừa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục