Số trẻ em được tiêm chủng đạt mức kỷ lục

Hoài Linh, icon
04:59 ngày 18/07/2018

VTV.vn - Trong năm 2017, số trẻ sơ sinh trên thế giới được tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm vốn có thể gây ra các bệnh nguy hiểm đến tính mạng đã đạt mức kỷ lục.

Con số lên tới khoảng 123 triệu trẻ, tương đương cứ 10 trẻ thì có 9 trẻ được tiêm phòng.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2015, tỷ lệ trẻ em được tiêm vaccine phòng 3 bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đạt 85% (116,2 triệu trẻ). Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu với DTP3 vẫn duy trì ở mức 85%, song điều đáng chú ý việc tăng thêm 4,6 triệu trẻ sơ sinh được tiêm chủng trên toàn thế giới trong năm 2017 so với năm 2010 chủ yếu do dân số toàn cầu tăng.

Đối với tỷ lệ tiêm phòng sởi, tỷ lệ tử vong do bệnh này trên toàn thế giới đã giảm 84%, theo đó, có tới 85% trẻ được tiêm mũi đầu và 67% được tiêm mũi thứ 2. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc có tới 45 triệu trẻ em cần được tiêm phòng mũi thứ 2. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng trên toàn cầu đối với rotavirus (gây tiêu chảy) mới chỉ đạt 28%, còn phế cầu khuẩn là 44%.

Do đó, WHO và UNICEF khuyến cáo: trong bối cảnh dân số đang ngày một tăng, các quốc gia cần củng cố hệ thống y tế, đưa thêm vaccine mới vào chương trình tiêm chủng quốc gia, đảm bảo mọi trẻ em có thể tiếp cận với vaccine, cũng như hoàn thành đầy đủ việc tiêm chủng các loại vaccine theo khuyến nghị.

Về phần mình, WHO và UNICEF đang mở rộng khả năng tiếp cận tiêm chủng thông qua việc tăng cường chất lượng, nhắm đến các nguồn lực tốt hơn và đảm bảo những đối tượng dễ bị tổn thương có thể tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục