Sự gia tăng toàn cầu của các bệnh nhân COVID-19 trên bệnh nền mãn tính

Nguyễn Mai, icon
07:00 ngày 20/10/2020

VTV.vn - Nhiều quốc gia chưa chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt nhóm mắc các bệnh mãn tính, khiến dân số dễ bị tổn thương nếu đại dịch như COVID-19 xảy ra.

Tăng tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch một cách bền vững.

Trong báo cáo về Gánh nặng dịch bệnh toàn cầu được CNN đăng tải, nhóm nghiên cứu ở Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington, Mỹ đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh mãn tính, bao gồm: béo phì, lượng đường trong máu cao, huyết áp cao, cũng như ô nhiễm không khí, lạm dụng rượu và thuốc giảm đau.

Đồng tác giả của nghiên cứu, bà Emmanuela Gakidou nhận định rằng: "Một trong những thông điệp quan trọng nhất là trong thập kỷ qua, đó là thế giới đã làm rất kém công việc chăm sóc sức khỏe thường niên, dẫn đến cuộc khủng hoảng bệnh mãn tính toàn cầu. Các bệnh nhân COVID-19 có bệnh lý nền mãn tính sẽ có nguy cơ tổn thương nhiều hơn các bệnh nhân chỉ mắc COVID-19".

Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của Tổ chức Y tế Thế giới và hơn 5.500 nhà nghiên cứu quốc tế, thu thập dữ liệu người dân ở 200 quốc gia.

Theo đánh giá của Tạp chí y khoa Lancet, Mỹ xếp hạng kém trong một số lĩnh vực. Tuổi thọ trung bình vào năm 2019 của người dân Mỹ là 78,9 tuổi so với hơn 81 tuổi ở các nước thu nhập cao nói chung. Tuổi thọ của người dân Mỹ đã không được cải thiện kể từ năm 2010. Nguyên nhân khiến tuổi thọ người dân Mỹ giảm là do số ca mắc bệnh tim mạch tăng hơn 16%.

Tiến sĩ Christopher Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME), tác giả chính của nghiên cứu này cho biết thêm: Các bệnh lý tim mạch không phải là thủ phạm duy nhất.

"Khi chúng tôi xem xét các loại bệnh tật ở Mỹ, ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, đã có một sự gia tăng rõ ràng về số ca mắc bệnh tiểu đường, tự tử, gia tăng về số trường hợp gặp vấn đề sức khỏe tâm thần và sự gia tăng rất lớn trong số trường hợp lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện".

Thêm vào đó, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Mỹ cao hơn gần 75% so với tỷ lệ trung bình ở các quốc gia có thu nhập cao khác và gần gấp đôi so với Australia. Vào năm 2019, Mỹ chiếm hơn một nửa số ca tử vong do dùng thuốc quá liều trên toàn cầu.

Tiến sĩ Richard Horton, tổng biên tập của Tạp chí y khoa The Lancet hiện chuyên theo dõi diễn biến dịch COVID-19, cho rằng; Cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện sức khỏe của nhóm người dễ bị tổn thương trên toàn cầu. Chủ động nâng cao sức đề kháng cho người dân là phương pháp hữu hiệu để phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục