TP. Hồ Chí Minh: Tiến tới 100% người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp vào năm 2030

P.V, icon
08:16 ngày 28/06/2023

VTV.vn - Đây là mục tiêu trong kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động giai đoạn 2022-2030 do UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành.

Hình minh họa.

Ngày 27/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tổ chức tổ chức Hội thảo Chăm sóc sức khỏe người lao động với mục tiêu chia sẻ kiến thức, tìm hiểu những khó khăn trong công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp. 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, thành phố có khoảng 370.000 người lao động có tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp chỉ dao động 90.000 người trong năm 2022 (25%).

Để tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người lao động, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch số 2689/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động giai đoạn 2022-2030. Theo đó, mục tiêu cần đạt vào năm 2023 là 50% người lao động tại các cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng chống và được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp vào năm 2025, tiến tới đạt 100% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch, hội thảo đã nêu bật tầm quan trọng của y tế cơ quan trong việc chăm sóc sức khỏe người lao động thông qua các hoạt động theo dõi sức khỏe, giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Thông qua các bài báo cáo và tham luận, hội thảo đã cập nhật thông tin cũng như lưu ý doanh nghiệp, cán bộ phụ trách thực hiện ATVSLĐ những điểm mới trong công tác ATVSLĐ như điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật mới (thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022), khám sức khỏe chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ (thông tư 09/2023/TT-BYT ngày 05/5/2023)…

Tại phần thảo luận của hội thảo, các doanh nghiệp đã chia sẻ thêm về những khó khăn trong khi thực hiện công tác ATVSLĐ như khó khăn trong việc sắp xếp thời gian ca trực để người lao động đi khám sức khỏe, việc lưu trữ hồ sơ khám sức khỏe của người lao động…

Kết thúc buổi hội thảo, BSCKII. Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng doanh nghiệp cần tăng cường thông tin đến người lao động về các yếu tố nguy cơ và những ảnh hưởng đến sức khỏe trong môi trường lao động. Doanh nghiệp cần chủ động tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện ATVSLĐ tại đơn vị đồng thời tìm hiểu, cập nhật thông tin các văn bản pháp luật liên quan đến công tác này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục