Việt Nam đang là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh

Minh Đức, icon
05:31 ngày 05/12/2019

VTV.vn - Theo thống kê của Bộ Y tế, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay đã tăng cao, vươn lên đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 thế giới.

Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, với đời sống kinh tế xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng cao. Cụ thể, hiện tuổi thọ bình quân của người dân nước ta đã đạt 75,6 tuổi. Con số này đứng thứ hai trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới.

Tuy nhiên hiện tại, Việt Nam được cho là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Cả nước hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người cao tuổi.

Ông Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục cũng cho biết, tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật của người cao tuổi nước ta là rất lớn. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn thấp. Có tới 68% người cao tuổi nước ta sống ở nông thôn, làm nông nghiệp; 72,3% số người cao tuổi sống cùng con cháu.

Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới.

Cùng với quá trình già hóa dân số, Việt Nam cũng đang ở trong thời kỳ dân số vàng khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người trong độ tuổi phụ thuộc. Từ năm 1989 đến nay, số người dưới 15 tuổi giảm từ 39% xuống 24%; trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56% lên 68%.

Các chuyên gia nhận định, lợi thế dân số vàng nếu được tận dụng tốt là điều kiện để cải thiện cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi trong tương lai. Bởi vậy, đầu tư y tế, giáo dục và công việc ổn định cho thế hệ thanh niên hiện tại có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi kế tiếp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục