Xã hội hóa y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân Tây Nguyên

TTXVN, icon
06:18 ngày 15/11/2022

VTV.vn - Theo Sở Y tế Đắk Lắk, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đang được quan tâm đẩy mạnh, nhiều cơ sở y tế tư nhân được thành lập với quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại.

Người dân kiểm tra sức khỏe trên hệ thống chụp cộng hưởng từ kỹ thuật số tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người dân trong sử dụng dịch vụ y tế. Đặc biệt, cùng với sự xuất hiện của các phòng khám chuyên khoa, đa khoa còn là sự ra đời của các bệnh viện hiện đại, quy mô lớn đã tạo điều kiện để người dân hưởng thụ các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa (người dân thành phố Buôn Ma Thuột), thực tế cho thấy, hệ thống trạm y tế, trung tâm y tế tuyến huyện và bệnh viện tuyến tỉnh luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư, tuy nhiên hầu như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, nhất là các bệnh viện tuyến cuối. Do đó, sự hình thành của một số bệnh viện tư nhân, quy mô lớn, hiện đại đã góp phần giảm tải cho bệnh viện công và người dân có thêm sự lựa chọn để chăm sóc sức khỏe.

Xã hội hóa y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân Tây Nguyên - Ảnh 1.

Bệnh nhân thăm khám tại Bệnh viện Nhi Đức Tâm. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Mạnh Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột cho rằng: Ngày nay, nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân là rất lớn. Nắm bắt xu hướng trên, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột (hoạt động từ tháng 2/2022) đã đầu tư 200 giường bệnh và được phê duyệt trên 7.000 danh mục kỹ thuật với các chuyên khoa trọng điểm như: Ngoại Tổng quát, Ngoại Thần kinh, Nội Tổng hợp, Phụ sản, Tim mạch can thiệp, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Tầm soát và điều trị ung thư… nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

"Sau một thời gian ngắn hoạt động, Bệnh viện đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên môn lần đầu tiên được thực hiện tại địa phương, góp phần cấp cứu thành công những bệnh lý nguy kịch, không có đủ thời gian để chuyển tuyến cấp cứu. Đặc biệt, bệnh viện còn có các giải pháp chẩn đoán hình ảnh và điều trị tiên tiến như hệ thống chụp cộng hưởng từ kỹ thuật số 1.5T; hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cao cấp; hệ thống chụp X-quang kỹ thuật số… Do đó, người dân khu vực Tây Nguyên thay vì trước đây phải di chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các can thiệp về tim mạch, ngoại khoa, điều trị hiếm muộn, nay có thể thực hiện ngay tại Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột. Hiện, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân. Thời gian tới, bệnh viện sẽ mở rộng quy mô lên từ 500-700 giường và tăng cường các dịch vụ y tế với đầy đủ các chuyên khoa nhằm chăm sóc sức khỏe theo nhu cầu của người dân". Ông Võ Mạnh Thành nhấn mạnh.

Bệnh viện Nhi Đức Tâm (khánh thành tháng 3/2018) là bệnh viện chuyên khoa Nhi duy nhất của khu vực Tây Nguyên. Bệnh viện có hệ thống phòng, khoa chuyên sâu và trở thành địa điểm chăm sóc, khám, chữa bệnh cho trẻ em khu vực Tây Nguyên, góp phần giảm áp ực cho hệ thống bệnh viện công, nhất là trong những thời điểm dịch bệnh ở trẻ em diễn biến phức tạp.

Xã hội hóa y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân Tây Nguyên - Ảnh 2.

Phòng điều trị bệnh nhân khang trang tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Ngọc Anh Tuấn, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đức Tâm cho biết, bệnh viện có 50 giường, tuy nhiên với nhu cầu khám, điều trị rất lớn của người dân, có những thời điểm bệnh viện phải bố trí 100 giường bệnh. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám và nhập viện điều trị cho khoảng 300 bệnh nhi. Điều này cho thấy nhu cầu của người dân là rất lớn, do đó trong thời gian tới bệnh viện sẽ tăng quy mô giường bệnh, đầu tư thêm hệ thống máy móc hiện đại, bổ sung nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chăm sóc, điều trị ngày càng cao của nhân dân trong khu vực.

Ông Hoàng Ngọc Anh Tuấn cho rằng: Chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng, Nhà nước là kịp thời và đúng đắn, đã góp phần rất lớn nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Do đó, việc tạo điều kiện với những cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để bệnh viện tư nhân phát triển hơn trong thời gian tới là điều cần thiết, mục tiêu cao nhất là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để phục vụ nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H`Yim Kđoh, tỉnh có địa bàn rộng, đông người dân tộc thiểu số sinh sống, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được quan tâm. Hiện, toàn tỉnh có 28 bệnh viện, trong đó có 6 cơ sở ngoài công lập. Trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, các bệnh viện tư nhân đã góp phần thiết thực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Do đó, việc xã hội hóa hệ thống y tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, giúp người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại nơi mình sinh sống.

"Trong thời gian tới, bên cạnh việc tạo các điều kiện thuận lợi để xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Y tế căn cứ vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các quy định liên quan để tăng cường quản lý nhà nước hoạt động khám, chữa bệnh của các đơn vị tư nhân nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ các quyền lợi của người dân khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài công lập" Bà H`Yim Kđoh cho biết thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục