40/53 dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn trên 20%

M.Đ-Thứ năm, ngày 03/11/2016 16:12 GMT+7

VTV.vn - Kết quả điều tra trong năm 2015 của Ủy ban Dân tộc về vấn đề tảo hôn tại Việt Nam cho thấy các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn chiếm tỉ lệ tảo hôn cao nhất.

Tảo hôn đang là vấn đề nóng và được toàn thế giới quan tâm. Có 700 triệu phụ nữ kết hôn ở độ tuổi trẻ em. Theo kết quả điều tra của Ủy ban Dân tộc, tỉ lệ tảo hôn ở Việt Nam đã giảm nhiều nhưng vẫn đang diễn ra ở một số vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi có tới 1/3 số người dân tộc thiểu số tảo hôn.

Theo kết quả điều tra năm 2015, tỉ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số là 26,6%, trong đó cao nhất là các dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng khó khăn. Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn từ 20% trở lên và có 6 dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn từ 50 - 60%.

Tại Hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã bày tỏ những lo ngại về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống: "Tảo hôn làm suy giảm số lượng và chất lượng dân số, tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần. Việc những đứa trẻ chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, tâm lý đã phải làm mẹ, sinh con ở tuổi chưa trưởng thành gây nhiều hệ lụy".

Theo thông tin của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỉ lệ tảo hôn ở trẻ em nữ nhiều hơn trẻ em nam. Hậu quả của tảo hôn dẫn đến mang thai sớm, khi cơ thể chưa hoàn thiện về mặt giải phẫu, sinh lý và tâm lý để mang thai. Không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em khi mang thai ở lứa tuổi chưa trưởng thành, tình trạng tảo hôn còn tác động đến các vấn đề kinh tế xã hội, tạo một vòng luẩn quẩn khó giải quyết: nghèo đói - tảo hôn - bỏ học - không có cơ hội tìm kiếm việc làm - sinh con ra sức khỏe kém, dễ ốm đau bệnh tật - nghèo đói.

Vấn nạn này là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ Việt Nam đã cam kết như: giảm nghèo đói, phổ cập giáo dục, tăng cường bình đẳng giới, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cần thay đổi nhận thức của người dân, chú trọng đầu tư kinh tế, giáo dục, y tế… nhằm nâng cao dân trí, thay đổi được nhận thức, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cần tạo môi trường thân thiện cho trẻ vị thành niên, thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản ở những vùng có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao.

Bà Trương Thị Mai - Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết cần phải giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn: "Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phải ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm và một số dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn cao".

Trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật cần thúc đẩy bình đẳng giới để trẻ em gái có cơ hội được đi học, được đào tạo nghề, có việc làm và cuộc sống ổn định, hạnh phúc.

Trong vấn đề tiến tới loại bỏ tình trạng tảo hôn tại Việt Nam, đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết Liên Hợp Quốc sẽ cộng tác cùng chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về kinh tế và xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Từ khóa:

tảo hôn

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước