Mặc dù các cơ quan chức năng hết khuyến cáo rồi đến xử phạt, thế nhưng, xe máy độ chế vẫn tràn lan lưu thông trên các con đường, từ đường làng đến các tuyến quốc lộ. Cùng với sự bùng phát xe máy độ chế là hàng loạt vất đề rất khó kiểm soát. Đó là mối nguy mất an toàn giao thông, chưa kể đây là phương tiện chủ yếu trong những đường dây vận chuyển gỗ lậu.
Công việc chính ở nhiều tiệm sửa xe tại miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa chính là độ chế xe máy cũ. Xe máy cũ đưa vào tiệm sửa xe, qua tay thợ, cuối cùng thành những chiếc xe hình thù khác thường đến mức kỳ dị. Nhưng với người dân trong vùng, thì đó lại là điều bình thường bởi gần như ở đây, nhà nào cũng có.
Người thì gọi là xe lâm tặc. Người thì gọi là xe độ chế. Và cũng có người gọi là xe đi rẫy... Tên gọi nào cũng đúng. Và tên gọi nào thì thực chất của dạng xe này vẫn là độ chế, làm biến dạng mọi kết cấu của một chiếc xe máy thông thường.
Xe chạy mạnh hơn, đi được đường rừng, chở được nhiều hàng... Và cũng vì ưu điểm này mà hầu như gia đình nào cũng sẵn sàng bỏ ra ít thì 3-4 triệu, nhiều thì 6-7 triệu đồng để có được chiếc xe máy độ chế. Trong khi đó, xe độ chế có an toàn hay không thì không mấy ai để ý đến.
Chỉ một xóm nhỏ ở xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa có đến hàng chục xe máy độ chế. Người dân dùng xe này để đi rẫy đi rừng, nhưng trước khi vào rẫy, xe máy độ chế buộc phải lưu thông trên quốc lộ 27 C.
Với thực tế là hầu như gia đình nào cũng có xe độ chế gắn liền với công ăn việc làm hàng ngày, việc xóa bỏ dạng xe này là không dễ. Ngược lại, nếu chấp nhận sự tồn tại của xe độ chế thì cũng đồng nghĩa kéo dài mối nguy mất an toàn giao thông. Đó là chưa nói, dạng xe máy độ chế gắn liền với vận chuyển gỗ lậu vốn là thực tế hết sức nhức nhối ở miền núi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!