Với phương thức thi này, thí sinh có thể dự thi một số đợt trong năm tại địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập. Kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh.
Ưu điểm của phương thức tổ chức thi này là không mất quá nhiều thời gian, tiết kiệm kinh phí tổ chức, hạn chế tiêu cực gian lận trong thi cử... Các thi sinh bắt đầu làm bài và kết thúc bài làm cùng 1 lúc vì thế đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh. Vì các thao tác đều được thực hiện trên máy tính thông qua phần mềm nên kết quả kì thi được thông báo nhanh chóng.
Áp dụng công nghệ thông tin vào việc tổ chức thi THPT là cần thiết và xu thế tất yếu, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia trước khi tổ chức phương thức thi này cần 1 lộ trình chuẩn bị hợp lí. Hạ tầng kĩ thuật cũng là yếu tố băn khoăn lớn nhất của nhiều chuyên gia giáo dục khi tổ chức thi THPT trên máy tính. Bởi thực tế ngay cùng 1 trường không phải máy tính nào cũng có thông số giống nhau, năng lực hoạt động như nhau, hơn nữa, với hơn 1 triệu thí sinh tham gia thi mỗi năm, để đảm bảo công bằng cần tối thiểu 1 triệu máy tính mới, chưa kể yếu tố con người kèm theo.
Thi trên máy tính là hoàn toàn khả thi và học sinh Việt Nam hoàn toàn tiếp cận được. Tuy nhiên, để nhân rộng hình thức thi này ra cả nước, theo nhiều chuyên gia cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ từ phía Bộ giáo dục mà còn từ phía nhà trường lẫn các em học sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!