Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm văn hóa, giải trí trong nước có xu hướng sử dụng các hình tượng, nhân vật nằm trong phạm trù lịch sử. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, từ phim ảnh, MV ca nhạc, truyện tranh hay trò chơi đều có ít nhất một hình tượng lịch sử đi theo xu hướng này.
Không thể phủ nhận một điều khi những người làm nghệ thuật giải trí dám nghĩ, dàm làm một đề tài liên quan tới phạm trù lịch sử, đó đã là một sự liều lĩnh. Nguyên nhân là do lịch sử vốn là lĩnh vực rất rộng và mang tính chất chính thống, chính xác. Tuy nhiên, giải trí lại là một lĩnh vực cần nhiều sự sáng tạo và bắt kịp xu thế của thời đại. Do đó, hai lĩnh vực này khi được kết hợp với nhau đã ngay lập tức tạo ra rất nhiều tranh cãi.
Chỉ sau 5 ngày đăng tải, MV Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh đạt gần 5 triệu lượt xem trên YouTube. MV là sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm hưởng dân gian, được xem là một bước đi táo bạo và đầy phá cách của Hoàng Thùy Linh trong âm nhạc khi chạm tới một chủ đề khá nhạy cảm. Tuy nhiên, Tứ Phủ của Hoàng Thùy Linh cũng bị cho rằng phiến diện và làm chưa tới. Nhắc tới Tứ Phủ nhưng trong MV lại chỉ có duy nhất Thoải Phủ với hình tượng Cô Bơ, mặc bộ đồ trắng muốt, bên cạnh đó lời bài hát có phần chưa đúng với truyền thuyết.
Điều bị lên án mạnh mẽ hơn cả lại chính là sản phẩm trò chơi thẻ bài Sử hộ vương khi những người sáng tạo ra tựa game này đã tạo ra những hình ảnh nhân vật gây tranh cãi. Thẻ bài có hình tượng bà Hồ Xuân Hương ăn mặc phản cảm, câu thoại có phần cợt nhả khi nói về mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, sử dụng những từ ngoại lai như: Senpai, Keikaku trong câu thoại của các nhân vật.
Sản phẩm giải trí dành cho giới trẻ nên phải tạo nhân vật gần gũi với giới trẻ, đây là điều mà đa số những người làm giải trí hiện nay đều hướng tới. Như là một quy luật tất yếu khi nghệ thuật được đặt trong cơ chế thị trường, để có thể tồn tại, việc đề cao yếu tố giải trí là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi kết hợp chung với một hình ảnh mang tính biểu tượng nào đó có liên quan tới lịch sử, văn hóa, yếu tố tiên quyết chắc hẳn là sự tôn trọng.
Dù còn có nhiều thiếu sót nhưng các dự án lịch sử, phục dựng văn hóa truyền thống của nghệ sỹ trẻ cho thấy đây không chỉ là hiện tượng tự phát nhất thời mà đã trở thành một hướng đi đúng đắn, thể hiện niềm say mê, tự hào của thế hệ trẻ với các giá trị trong quá khứ của dân tộc. Tuy nhiên, dù sáng tạo như thế nào đi nữa điều cần thiết nhất là người thực hiện phải tìm hiểu kỹ càng lịch sử, làm việc chỉnh chu, góp phần xây dựng tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, lịch sử nước nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!