Hằng năm, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận điều trị cho gần 2.000 trường hợp ung thư gan. Thông thường, đối với các trường hợp bệnh nặng, ở giai đoạn cuối có nhiều biến chứng, người bệnh chỉ có thể sống không quá 3 tháng. Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu của bệnh UTTBG thường không rõ ràng, khó nhận biết cho nên người bệnh thường không quan tâm việc đi khám bệnh hoặc không hề biết mình đã mắc bệnh, đến khi bắt đầu có các triệu chứng như ăn uống kém, sụt cân, đau tức vùng dưới sườn phải, vàng mắt, phù chân, bụng to… thì đã quá muộn. Việc điều trị chỉ là nâng đỡ thể trạng, giảm đau đớn cho người bệnh.
Nước ta có tỉ lệ nhiễm siêu vi viêm gan B rất cao, chiếm hơn 10% dân số. Do vậy, những đối tượng dễ mắc ung thư gan bao gồm người bệnh viêm gan siêu vi B và C mạn tính, xơ gan cần được theo dõi, khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần, thực hiện siêu âm bụng, các xét nghiệm phát hiện ung thư gan... Đến khi phát hiện có khối u bất thường trong gan, người bệnh phải được kiểm chứng chính xác bằng phương pháp CT, MRI hoặc sinh thiết gan...
Tầm soát ung thư gan sớm giúp các bác sĩ có thể phát hiện kịp thời các khối ung thư mới xuất hiện, nhờ vậy có thể áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả, triệt để cho người bệnh như: phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị ung thư, dùng nhiệt, sóng cao tần phá hủy khối u, nút tắc mạch máu nuôi khối u hoặc ghép gan… nhờ vậy mang lại kết quả lâu dài, cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh, có thể kéo dài sự sống đến 5 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!