Hiện toàn vùng ĐBSCL có hơn 500 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 566 km, chủ yếu dọc theo sông Tiền, Sông Hậu… Trong số đó, có đến 39 điểm sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến khu dân cư và hạ tầng giao thông quan trọng với chiều dài 85 km. Hơn 40 mét chiều dài của Quốc lộ 91 trong tích tắc bị sụp xuống sông Hậu. Đây là điểm sạt lở thứ 3 nằm ở khu vực này. Gần 1 năm trước, đợt sạt lở nghiêm trọng đã cắt đứt đoạn Quốc lộ 91 của tỉnh An Giang. Thế nhưng việc khắc phục đến nay vẫn chưa hoàn thành. Để ứng phó, tỉnh An Giang đã công bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến sạt lở và đề nghị các Bộ ngành hướng dẫn, bàn giải pháp khắc phục sự cố.
Bàn về nguyên nhân gây ra sạt lở tại Quốc lộ 91, các chuyên gia cho rằng đó là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả. Tiếp tục câu chuyện khắc phục sạt lở QL91, tỉnh An Giang đã đề xuất Chính phủ cho phép được chỉnh trị dòng chảy sông Hậu. Gần như ngay lập tức đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Chỉnh trị dòng chảy gồm nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú dài khoảng 3km; đền bù đất bãi bồi bờ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân kết hợp tận thu cát. Đây là giải pháp khả dĩ nhất hiện nay nhưng có nhiều vấn đề phải cân nhắc. Theo các chuyên gia, việc nắn dòng chảy đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Cần thêm công trình hướng dòng chảy ở đáy sông chứ không đơn thuần chỉ là đưa xáng múc nạo vét cát. Ngoài ra còn có khả năng cát tái bồi lấp luồng mới nạo vét. Công trình kè bảo vệ bờ Quốc lộ 91 sẽ làm tăng thêm nguy cơ xói lở do dòng chảy bị thu hẹp. Còn nắn dòng chảy về hướng bờ đối diện thì nguy cơ sạt lở sẽ dịch chuyển./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!