Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 8.000 vụ tai nạn lao động làm thương vong 3.000 người và số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông vào khoảng 8.000. Các tổn thương thường gặp là mất máu, gãy xương, chấn thương sọ não… Sơ cấp cứu với các nạn nhân này mang ý nghĩa sống còn, bởi chỉ bằng các thao tác đơn giản thì không chỉ giúp bảo toàn tính mạng nạn nhân mà còn hạn chế biến chứng, di chứng của tổn thương hoặc tình trạng nặng thêm, đồng thời trợ giúp nạn nhân phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, kết quả sẽ là ngược lại nếu việc sơ cấp cứu bị làm sai. Những sai lầm thường thấy nhất như di chuyển nạn nhân không đúng cách, thiếu quan sát để đảm bảo an toàn cho cả nạn nhân và người thực hiện thao tác sơ cấp cứu.
Làm cách nào để tránh những sai lầm thường thấy này, để 40% các nạn nhân tai nạn lao động, tai nạn giao thông sẽ được cứu mạng sống nhờ được sơ cứu đúng cách, giảm bớt di chứng tổn thương? Sau đây là 4 kỹ thuật di chuyển nạn nhân khỏi vùng nguy hiểm.
1/ Phương pháp nắm 2 cổ tay (Sử dụng trong trường hợp nạn nhân nằm ngửa).
Hai chân dang rộng bằng vai. Nắm hai cổ tay nạn nhân. Nhấc nạn nhân theo phương thẳng đứng, kéo ra khỏi nơi nguy hiểm.
2/ Phương pháp nắm 2 cổ chân (Cũng áp dụng trong trường hợp nạn nhân nằm ngửa. Lưu ý khi kéo không nhấc mông nạn nhân lên, để giữ đầu và cột sống nạn nhân trên đường thẳng).
Xếp tay nạn nhân trên bụng. Nắm 2 cổ chân nạn nhân, kéo ra khỏi nơi nguy hiểm.
3/ Phương pháp xốc nách (Sử dụng trong trường hợp nạn nhân nằm ngửa. Cần lưu ý giữ đầu và cột sống nạn nhân trên đường thẳng khi kéo).
Một chân chống vuông góc với vai nạn nhân, chân kia quỳ. Một tay đỡ cổ và gáy nạn nhân, tay kia luồn sâu vào giữa hai xương bả vai. Nâng nạn nhân lên, quỳ chân chống vào sát lưng nạn nhân, sau đó thu nốt chân kia vào. Để nạn nhân ngả vào người sơ cấp cứu, hai tay nạn nhân để trước ngực. Luồn hai tay qua nách nạn nhân và nắm 2 cổ tay nạn nhân. Nhấc nạn nhân theo phương thẳng đứng, kéo ra khỏi nơi nguy hiểm.
4/ Phương pháp lật người (Sử dụng khi nạn nhân nằm sấp).
Gấp tay nạn nhân bên muốn lật vuông góc với thân người, tay kia xuôi theo thân. Một tay đỡ gáy, một tay nắm bên sườn phía định lật. Lật người nạn nhân sang phía an toàn.
Một lưu ý nữa cho những người tham gia sơ cấp cứu, đó là đừng quên 2 nguyên tắc hết sức quan trọng. Đó là: trước khi thực hiện thao tác cần quan sát hiện trường và thu thập thông tin để xác định độ an toàn và các thao tác cần thiết, sau đó xác định tổn thương, gọi hỗ trợ từ lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!