Đây là lần thứ hai TP.HCM đưa ra kiến nghị này. Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế diễn ra vào cuối tháng 8 vừa qua, dịch vụ đòi nợ thuê cũng được đề xuất nằm trong 12 ngành nghề cấm kinh doanh theo dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Không ít tranh cãi xảy ra liên quan đến đề xuất này. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất là bước thụt lùi trong việc quản lý Nhà nước.
Kinh tế càng phát triển, nhu cầu tín dụng chính thức và phi chính thức của người tiêu dùng càng cao và ngày càng nhiều người vay nợ. Đã vay thì phải trả, nhưng không phải lúc nào việc trả nợ cũng như ý của cả bên cho vay lẫn bên vay. Do đó, bên trung gian đã xuất hiện, đó là các công ty thu hồi nợ. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, tỷ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả tới 90%. Trong khi đó, tỷ lệ khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án hiệu quả chỉ khoảng 50%.
Dịch vụ đòi nợ thuê và sự biến tướng của đòi nợ thuê là hai phạm trù khác nhau, do đó không thể vì những biến tướng này mà cấm một dịch vụ bình thường, thậm chí là cần thiết trong xã hội. Nhu cầu đòi nợ là có thật và thậm chí là rất lớn. Vì thế, việc cấm kinh doanh không đồng nghĩa các công ty đòi nợ thuê ngừng hoạt động. Theo chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể dẫn đến hiệu ứng ngược, làm nảy sinh các dịch vụ thu nợ bất hợp pháp. Hậu quả là công tác quản lý càng gặp khó bởi "nắm có người tóc vẫn dễ hơn là kẻ trọc đầu".
Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự mà thiệt hại về kinh tế là có nếu dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm. Dù cấm hay không thì việc vay mượn nhau vẫn tồn tại trong cuộc sống lẫn kinh doanh. Việc cấm một dịch vụ mà xã hội có nhu cầu cho thấy sự thoái thác về mặt trách nhiệm của cơ quan quản lý. Luật pháp quy định, công dân có quyền kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm. Cho đến nay, dịch vụ đòi nợ thuê là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp.
Không phủ nhận dịch vụ đòi nợ thuê cũng phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực, nhưng loại hình kinh doanh nào cũng có mặt trái của nó. Nguyên nhân bắt đầu từ chính những lỗ hổng trong công tác quản lý. Dù liên quan đến việc cho vay nhưng dịch vụ đòi nợ thuê không thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương chỉ quản lý về mặt cấp phép kinh doanh, còn Bộ Công an chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ an ninh trật tự. Trên thực tế, các yếu tố tiêu cực chỉ xuất hiện trong quá trình hoạt động thu hồi nợ nhưng quá trình này lại chẳng có Bộ nào phụ trách. Do đó, thay vì cấm, cơ quan Nhà nước cần quản lý tốt hơn, bắt đầu từ xây dựng hành lang pháp lý, tiếp theo mới tính đến chuyện xa hơn là kiểm tra, thanh tra hay giám sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!