Nằm giữa sông Tiền, cồn Tân Thuận Đông, thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng thực tế lại khác. Nhiều điểm du lịch không một bóng khách. Khu chòi dành để hóng mát cỏ mọc xuyên qua sàn gỗ. Bàn ghế đóng bụi chứng tỏ từ lâu nó đã không được sử dụng.
Gần đó là khu du lịch Sông Quê. Bàn ghế vẫn còn nhưng chủ khu du lịch đã đóng cửa đi vắng. Hiện có nhiều điểm du lịch ở Đồng Tháp phải đóng cửa vì vắng khách. Lý do là những điểm này mở ở những nơi không gắn với các tài nguyên du lịch như khu di tích, khu danh lam, thắng cảnh.
Nếu như trước đây, tỉnh Đồng Tháp có hàng trăm khu du lịch cộng đồng thì đến năm 2019 chỉ còn 73 điểm đang hoạt động. Đi kèm với nó là những khoản nợ mà phải mất nhiều năm, nông dân mới trả dứt.
Sau cơn sốt du lịch cộng đồng, giấc mơ của nhiều người nông dân Miền Tây nhanh chóng gãy đổ. Nó cũng cho thấy cách làm du lịch ăn xổi ở thì không thể có đất sống khi mà du khách có quá nhiều sự lựa chọn thú vị hơn.
Đầu tư thiếu bài bản, sản phẩm trùng lắp, là cản trở rất lớn cho sự phát triển của du lịch sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long. Để giải bài toán này, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với địa phương xây dựng Làng văn hóa du lịch. Đây cũng là một hình thức du lịch sinh thái nhưng sẽ có những nét đột phá và đầu tư bài bản hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!