Giải pháp nào để hạn chế sụp lún đất ở Cà Mau?

Đặng Công (VTV9)Cập nhật 08:15 ngày 26/02/2020

VTV.vn - Hơn 900 điểm sụp lún, 22km đường giao thông bị hư hỏng là thực trạng đang xảy ra trong mùa khô năm nay tại vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau.

Sụp lún đất là câu chuyện không phải mới ở vùng ĐBSCL. Chúng ta thường thấy hiện tượng này ở những địa điểm ven sông và thường là vào mùa mưa. Tuy nhiên, tại tỉnh Cà Mau, sụp lún đất lại đang diễn ra dữ dội ở giữa mùa khô hạn khi những con kênh bị cạn trơ đáy. Số lượng điểm sụp lún đất đã lên đến hàng trăm, đây được xem là điều khá bất thường trong mùa khô này.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô năm 2019 - 2020, địa phương đã ghi nhận 907 vị trí sụp lún đất. Tình trạng này đã gây hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông với tổng chiều dài hơn 21,6km. Sụp lún đất không chỉ gây hư hỏng lộ nông thôn mà còn làm hư hại nhiều tuyến đường giao thông lớn, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng như: Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, tuyến đê biển Tây kết hợp lộ giao thông. Điều lạ là sụp lún đất chỉ diễn ra ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, nơi có hàng loạt tuyến kênh, mương đang bị cạn trơ đáy vì hạn hán.

Tình trạng sụp lún đất đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tỉnh Cà Mau. Để khắc phục, số tiền bỏ ra phải lên đến hàng trăm tỷ đồng. Không thể bó tay ngồi nhìn các tuyến đường lần lượt bị hư hỏng do sụp lún, tỉnh Cà Mau đã kêu gọi các nhà khoa học, các Bộ, ngành Trung ương cùng vào cuộc hỗ trợ địa phương. Ngày 24/2, đoàn công tác của các Bộ, ngành và các nhà khoa học đã đi khảo sát thực tế ở những điểm sạt lở và bước đầu xác định được nguyên nhân.

Qua nhận định của các nhà khoa học, có thể thấy hạn hán không trực tiếp gây sụp lún đất nhưng gián tiếp gây nên hiện tượng tiêu cực này. Theo các nhà khoa học, sụp lún đất ở tỉnh Cà Mau là do áp lực nước trong nội đồng tác động vào thân đường, thân đê khi kênh dẫn ở bên ngoài đã cạn nước. Chỉ cần bơm nước ngọt vào các tuyến kênh này, áp lực nước sẽ cân bằng, các tuyến đê và đường giao thông ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời sẽ không còn sụp lún. Do vào thời điểm này nước ngọt đã không còn, một giải pháp táo bạo đã được tỉnh Cà Mau và một số nhà khoa học đề xuất, đó là bơm nước mặn vào các con kênh ở vùng ngọt hóa để chống sụp lún đất. Tuy nhiên, lượng nước bơm vào các con kênh cần được tính toán ở mức vừa phải, đủ để cân bằng áp lực nhưng cũng không khiến đất đai bị nhiễm mặn, dẫn đến khó canh tác về sau.

Đó là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, các nhà khoa học đề xuất tỉnh Cà Mau để chuyển đổi sản xuất 40.000ha đất ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời sang sản xuất vụ lúa - vụ tôm, vừa không bị sụp lún đất lại đảm bảo thu nhập cho người dân mỗi khi hạn hán và xâm nhập mặn. Giải pháp chuyển đổi sản xuất từ ngọt hóa sang vụ lúa - vụ tôm có thể giúp bà con ở đây ổn định sản xuất và rất phù hợp với tinh thần phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu mà Nghị quyết 120 của Chính phủ đã đề ra.


Đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa chống sụp lún đất Đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa chống sụp lún đất Xuất hiện hơn 900 điểm sụp lún đất ở Cà Mau Xuất hiện hơn 900 điểm sụp lún đất ở Cà Mau Đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc tiếp tục bị sụt lún Đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc tiếp tục bị sụt lún


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.