Khánh Hòa: Cộng đồng làng biển giữ rừng ngập mặn

Tấn Quýnh, Phạm Việt (VTV9)Cập nhật 10:21 ngày 19/06/2020

VTV.vn - Sinh kế được ổn định nhờ môi trường trong lành và cuộc sống vẫn yên ổn ngay trong lúc thiên tai. Đó là những gì có được khi cả làng biển giữ lại rừng ngập mặn.

Xử lý môi trường nước - công việc không thể thiếu đối với những người nuôi thủy sản. Hễ chất lượng nước xấu đi, hàng loạt điều tồi tệ ập đến. Có lúc, tôm cá nuôi trong ao đìa chết hàng loạt...Nỗi lo ấy phần nào đã vơi đi đối với các hộ nuôi thủy sản ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa kể từ khi phía ngoài ao đìa là rừng ngập mặn.

Vùng nuôi thủy sản này nằm ven biển. Lúc thiên tai, điều khó tránh khỏi là ao đìa bị sạt lở. Nhưng, nhiều năm nay, theo ghi nhận của người dân trong vùng, hễ khu vực ao đìa nào mà bên ngoài có rừng ngập mặn che chắn thì mức độ hư hại giảm đi đáng kể.

Vậy là nếu như trước đây, những cây đước, cây mắm bị phá bỏ để lấy đất làm đìa nuôi thủy sản thì giờ đã có những gia đình tìm cách trồng lại. Nhờ vậy, đến lúc này, ở đây vẫn giữ được 40ha rừng ngập mặn. Tất nhiên, so với hàng chục năm trước, diện tích rừng ngập mặn hiện có chỉ là một phần nhỏ, nhưng giữ được từng này rừng đước, rừng mắm đã là điều đáng mừng.

Thống kê cho thấy từ năm 1995 đến nay, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đã giảm đi không dưới 180 ngàn hecta. Ưu tiên quỹ đất nhằm tạo không gian sống cho rừng ngập mặn, cùng với đó là huy động cộng đồng tham gia trồng rừng, giữ rừng được cho là cách tốt nhất để khôi phục rừng ngập mặn. Và việc huy động cộng đồng phục hồi rừng ngập mặn sẽ trở nên dễ dàng một khi người dân nhận ra rằng: giữ rừng ngập mặn là để giữ sinh kế, giữ yên ổn cho cuộc sống của chính họ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.