Cảm nhận đầu tiên khi trải nghiệm về xứ khóm Tắc Cậu là nét thanh bình và sức sống mới trên những chồi cây chuyên canh. Nghe đâu, người dân xứ này trồng khóm từ hơn 70 năm trước. Đôi tay cần cù của những lão nông đã đào mương, lên líp cho ra những mùa khóm ngọt ngay trên vùng đất phèn, nước lợ, đậm phù sa. Đến Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang, mọi người sẽ được nghe kể về mô hình tôm – khóm quảng canh theo hướng hữu cơ; được trải nghiệm thu hoạch giữa những luống rẫy bạt ngàn, đúng với câu: trên dừa, dưới dứa, giữa hàng cau xanh. Một môi trường cộng sinh thuận nhiên của 3 tầng thực vật. Nông dân trong nghề nói: nhờ sự hài hòa này mà khóm Tắc Cậu to trái, mọng nước, bên trong vàng đậm. Ăn vào giòn nhẹ, ngọt thanh và ít bị rát lưỡi. Đặc biệt, trái khóm ở đây có thể bảo quản từ 10-15 ngày không hư, nên rất được khách hàng ưa chuộng.
Khóm trồng từ 10 tháng là bắt đầu cho trái, suốt 3 năm liền. Với năng suất 10-12 thiên/1ha (tức khoảng 120.000 - 140.000 trái), nếu được giá, mỗi ha nông dân bỏ túi 50.000.000 đồng/1 vụ. Trồng khóm không lo dịch bệnh mà ngại nhất là dịch hại. Chính vì vậy, ở xứ khóm bao giờ cũng có những biệt đội bẫy chuột chuyên nghiệp. Họ làm nghề mưu sinh dưới hình thức cộng tác giúp chủ vườn bảo vệ mùa màng.
Chuột Miệt Thứ nổi tiếng tinh ranh, là kẻ thù số 1 của nhà nông. Nhưng ở riêng xứ khóm, người ta coi nó như 1 loại đặc sản nức tiếng mang thương hiệu đồng quê. Dân địa phương mê, mà người xứ khác cũng rất hiếu kỳ.
Câu chuyện món ăn đặc sản rồi đến câu chuyện nghĩa xóm tình làng giúp nhau cứ vậy rôm rả trên bàn ăn mỗi khi người dân Tắc Cậu đón khách. Họ mào đầu để kể về cách làm sáng tạo, về hành trình vượt khó trong việc giữ gìn vùng khóm đặc sản, đưa danh tiếng khóm Tắc Cậu ngày càng vươn xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!