Đối với 40ha lúa tại hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Đức, điểm khác biệt so với vụ trước là trong năm nay, bà con sản xuất sẽ
- Không tốn tiền mua lúa giống;
- Không tốn tiền mua phân bón;
- Không tốn tiền thuê người hướng dẫn kỹ thuật;
- Không lo đầu ra sản phẩm;
- Không sợ bị thua lỗ.
Là đơn vị khởi xướng chuỗi liên kết sản xuất lúa tại tỉnh Sóc Trăng, đại diện Viện Lúa ĐBSCL cho biết, do đây là vùng đất nhiễm phèn và có nguy cơ bị xâm nhập mặn rất cao nên việc quan trọng đầu tiên là lựa chọn giống lúa thích hợp.
Về kỹ thuật canh tác, bà con được các chuyên gia tư vấn cách làm bài bản hơn, đảm bảo sản xuất an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Nhờ được tư vấn cách canh tác bài bản, sử dụng nguồn giống, phân bón chất lượng cao, cánh đồng lúa xanh tốt, ít sâu bệnh tấn công, việc phun thuốc hóa học cũng giảm đáng kể.
Trong vụ đầu tiên áp dụng chuỗi liên kết, năng suất lúa tại đây đạt hơn 7 tấn/ha, tăng 2 tấn so với vụ trước. Đặc biệt, lúa sau khi thu hoạch được hợp tác xã thu mua 100% với giá bằng hoặc cao hơn thị trường, sau đó bán trực tiếp cho doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng thương lái ép giá nông dân. Trúng mùa, lúa được mua với giá cao, nông dân rất phấn khởi.
Hiện Viện lúa ĐBSCL cùng các doanh nghiệp đang tiếp tục nhân rộng mô hình này. Với sự đồng hành của các nhà, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết như vậy không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người trồng lúa mà còn góp phần tạo nên diện mạo mới cho ngành lúa gạo nước ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!