Vừa xây dựng không phép nhà tạm, ao nước, vừa trồng cây mật độ dày đến tận 11 lần so với quy định trên phạm vi đất dự án cao tốc Bắc – Nam, thế nhưng ông Đoàn Phú vẫn một mực khẳng định với phóng viên, tất cả chỉ là sự vô tình.
Liên tục phủ nhận cũng là câu trả lời mà phóng viên nhận được từ hộ ông Nguyễn Ngọc với hành vi trồng gần 10.000 cây xoài trên đất dự án cao tốc. Ông Ngọc nói: "Vườn điều tôi thì cũng được mấy chục năm rồi, nó già cỗi rồi, tôi phá đi để trồng xoài, thanh long, dừa. Thật ra là không biết, nếu biết thì tôi để lại 300 cây điều, thì Nhà nước bồi thường bạc tỷ rồi. Nếu biết thì cần gì phải cắt, điều 400.000đ - 500.000đ 1 cây, khỏi đầu tư vào giống cây xoài".
Theo tìm hiểu của phóng viên, theo Quyết định số 14 năm 2017 của tỉnh Bình Thuận về đơn giá bồi thường, thì giá của 1 cây xoài loại A là 380.000 đồng, còn điều tùy vào năm tuổi, cao nhất là 400.000 đồng/cây. Như vậy, nếu tính toán từ đầu, với 300 cây điều, ông Ngọc có thể nhận được tối đa là 120 triệu đồng. Còn với 10.000 cây xoài tối đa sẽ là 3,8 tỷ đồng. Như vậy, cùng diện tích việc phá đi 300 cây điều, rồi trồng thay lại bằng 10.000 cây xoài, thì rõ ràng là bài toán có lợi, chứ không hề lỗ như lời ông Ngọc giải thích trước đó.
Hành vi ngang nhiên của nhiều hộ dân này, đã làm nhiều hộ dân chấp hành đúng chủ trương không xâm phạm đến đất dự án cao tốc, phải bức xúc.
Không chỉ tạo sự bất bình với những hộ chấp hành đúng chủ trương, hành vi ngang nhiên trồng cây, xây nhà này còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác kiểm kê, đo đạc, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị chủ đầu tư, thi công dự án; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ 1 dự án trọng điểm cấp quốc gia./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!