Chẳng có buổi chiều nào, nơi đây được yên tĩnh. Nhiều người buộc phải chấp nhận tiếng kêu chói tai từ các máy dẫn dụ chim yến - chấp nhận trong sự bực bội. Bực bội nhưng lại chẳng mấy ai dám nói ra vì những người nuôi chim yến lại chính là hàng xóm láng giềng.
Thống kê, hiện cả nước có 42/63 tỉnh thành có nuôi chim yến với hơn 8.500 nhà yến. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn việc gây nuôi còn mang tính tự phát phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Trong khi đó, do chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng các nhà nuôi chim yến nên hiện nay trên 90% các nhà nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư, được xây dựng trên nhà ở của người dân.
Ngoài ra, do chưa có quy định cụ thể về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính chim yến, vấn đề kiểm soát dịch bệnh đối với loài chim này chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể về quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh, quy cách chuồng trại, dinh dưỡng… nên việc phát triển nóng nghề này còn dẫn đến nhiều nguy cơ về lây lan dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người. Chưa kể, hiện nay vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý trong vấn đề quy hoạch, đăng ký, cấp phép nuôi… nên gây khó khăn về mặt quản lý nhà nước đối với nghề nuôi chim yến.
Nghề nuôi chim yến ở nước ta được đánh giá là một nghề có nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển. Tuy nhiên, trước những thực tế phát sinh từ việc phát triển nóng nghề nuôi chim yến, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc đòi hỏi các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cần phải cùng ngồi lại để đánh giá, và thay đổi các quy định nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ngành nghề này trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!