Trong 10 năm qua, mỗi ngày anh Nguyễn Vũ Tâm, một tài xế xe tải nhỏ, có nhiệm vụ chạy từ quận 4 vào khu vực trung tâm TP.HCM để giao hàng. Thông tin thu phí ô tô vào nội đô khiến anh lo lắng hơn bởi nếu đề xuất này đi vào thực hiện, anh phải tính toán lại các chi phí.
Trái với lo ngại chi phí tăng cao, anh Nguyễn Văn Trung, một tài xế xe Grab, lại tỏ ra đồng tình với đề xuất thu phí ô tô vào khu vực trung tâm thành phố. Theo anh Trung, nếu không có biện pháp hạn chế, tình trạng kẹt xe sẽ càng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của các tài xế như anh.
Theo Sở GTVT TP.HCM, giảm kẹt xe là một trong những lý do để Sở đề xuất giải pháp này. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng ô tô đăng ký mới của TP.HCM đã tăng 15%, trong khi cả năm 2018 chỉ tăng 12%. Mức tăng kỷ lục này đã khiến rất nhiều tuyến đường trung tâm thành phố đã vượt ngưỡng phục vụ, gây ách tắc giao thông, thiệt hại kinh tế. Tuy đề xuất đặt 34 trạm thu phí nhưng để thực hiện, Sở GTVT TP.HCM sẽ có lộ trình thực hiện sau khi tính toán, cân nhắc các yếu tố.
Mỗi năm, TP.HCM chịu thiệt hại lên tới cả tỷ USD vì ùn tắc giao thông. Như vậy, chỉ khi thực hiện thu phí ô tô vào trung tâm, thành phố mới có cơ hội thực hiện đề án phát triển giao thông công cộng tốt hơn, từ đó có thể giảm tình trạng kẹt xe. Bên cạnh đó, xu hướng của các nước phát triển đều là hạn chế phát triển xe cá nhân thông qua nhiều hình thức, trong đó thu phí ô tô được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, thành phố sẽ phải cân nhắc thực tế, đánh giá tác động trước khi thực hiện đề án này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!