Để thu hút vốn đầu tư, TP.HCM không chỉ đáp ứng về nhân lực, chính sách mà còn phải có quỹ đất dồi dào. Với tốc độ phát triển, đô thị hóa như hiện nay, yếu tố về quỹ đất được xem là không dễ thực hiện. Chính vì vậy, TP.HCM đã có chủ trương triển khai chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện việc thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, TP.HCM gặp không ít khó khăn khi thực hiện công việc này.
Có một thực tế là hầu hết đất nông nghiệp ở TP.HCM hiện đã không còn giữ vai trò là sản xuất, đa số đã để hoang hoặc sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, khi những mảnh đất này được thu hồi để Nhà nước thực hiện các dự án, câu chuyện muôn thuở vẫn là giá đất quá thấp để họ tự nguyện rời bỏ mảnh đất của mình. Cứ như vậy, câu chuyện giá bồi thường thấp kéo dài từ năm nay sang năm khác mà không có lối ra. Theo thống kê, trong suốt 7 năm qua, có đến 133 dự án tại TP.HCM chưa thể thực hiện được vì nguyên nhân này.
Đứng trước thực tế này, TP.HCM đã kiến nghị một cơ chế đặc thù trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Cơ chế đó sẽ giúp giải phóng thành phố khỏi những điểm nghẽn về quy định chưa có trong luật pháp hay thẩm quyền không phải thuộc thành phố.
Với một cơ chế rõ ràng, mốc thời gian từng giai đoạn cụ thể, lại nắm thế chủ động trong tay, những khó khăn mà TP.HCM đang đối mặt sẽ dễ được giải quyết hơn. Và không ai khác ngoài thành phố có thể hiểu và xử lý công tác này tốt hơn. Tất nhiên, chính sách này phải đảm bảo lợi ích ba bên người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Theo các chuyên gia, nếu TP.HCM xây dựng được cơ chế và quy trình riêng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một dự án sẽ rút ngắn còn khoảng 300 ngày, đồng thời chia dự án ra các phần riêng rẽ.
Sau mỗi 5 năm, dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, tốc độ tăng dân số này đang gây sức ép lên hạ tầng đô thị và xã hội, gây kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm… Đứng trước thực tiễn này, đã và đang có hàng trăm dự án giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, y tế cần phải được đầu tư với tổng nhu cầu vốn lên tới hơn 320.000 tỷ đồng trong vòng 4 năm tới. Nếu không có quy trình đặc thù để gỡ điểm nghẽn trong đền bù, giải phóng mặt bằng, chắc chắn sự phát triển của TP.HCM sẽ khó đạt được như kỳ vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!