Tỉnh Cà Mau đã ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Biển Đông. Theo đó có 8 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài gần 27km đang làm mất 17.000 ha rừng phòng hộ và uy hiếp tính mạng hàng ngàn hộ dân nơi đây. Tương tự như Cà Mau, tình trạng sạt lở bờ biển tỉnh ở Bến Tre và Sóc Trăng cũng rất phức tạp. Dù tỉnh Bến Tre đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để xử lý 19km sạt lở nhưng chẳng thấm vào đâu. Mỗi năm 13 địa phương ở ĐBSCL mất từ 300 ha đến 500 ha đất và hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở khu vực ven đê biển Gò Công. Trước kia, bên ngoài bờ biển của tỉnh này có một đai rừng phòng hộ khá dày từ 100m - 800m. Tuy nhiên, gần đây, rừng phòng hộ bị suy thoái dần và có nơi bị mất trắng uy hiếp đời sống hàng ngàn hộ dân bên trong đê. 7 thành viên trong gia đình bà Loan không còn đường lùi. Bởi đây là mảnh đất cuối cùng khi nhà mẹ và chị của bà Loan cùng nhiều hộ khác bị sóng biển cuốn đi. Vậy là đành phải chấp nhận sống liều.
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng như vậy nhưng nhiều hộ dân không thể di dời đến nơi ở mới do điều kiện kinh tế khó khăn cũng như không có đất đai. Chính vì vậy bà con phải sống trong nỗi phập phồng lo sợ. Chỉ riêng xã Tân Thành có gần 50 hộ dân ở trong vùng sạt lở nguy hiểm, nhà cửa có thể bị nước biển cuốn trôi bất cứ lúc nào. Đến nay chỉ có phân nửa số hộ tháo dỡ nhà cửa đi ở tạm nơi khác.
Cứ đến mùa chướng, bà Loan và nhiều người dân lại mua cừ tràm, cột bê tông, bao đất… để ngăn sạt lở. Nhưng chẳng mấy chốc sóng biển đã đánh tan tành. Và chắc chẳng còn lâu nữa căn nhà trơ trọi của họ cũng sẽ bị cuốn ra biển./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!