Từ lâu, sinh mổ đã được nhiều thai phụ lựa chọn như một biện pháp tối ưu do phương pháp này có thể nhanh chóng, giảm đau đớn cho thai phụ, người nhà còn có thể chọn được ngày, giờ đẹp để đẻ. Tuy nhiên, có những nguy cơ không ngờ từ vết sẹo mổ cho lần mang thai tiếp theo mà không phải tất cả sản phụ đều ý thức được. Số ca mổ lấy thai càng nhiều, sản phụ càng tăng nguy cơ thai bám sẹo mổ cũ cho lần mang thai sau. Nguy hiểm hơn, có nhiều trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũ nhưng thai phụ không biết, đến khi bị đau bụng, rong kinh kéo dài, đi khám mới phát hiện, suýt tử vong do bị mất máu nhiều.
Thai bám sẹo mổ cũ là một dạng thai ngoài tử cung đặc biệt. Thông thường, khi trứng đã thụ tinh ở ống dẫn trứng, trong vài ngày sau trứng sẽ di chuyển vào buồng tử cung và phần lớn trứng thụ tinh sẽ bám ở lòng tử cung. Tuy nhiên, với những bà mẹ có sẹo ở tử cung do lần mổ thai trước, một số trứng không đi vào tử cung mà bám lại ở vết mổ cũ và làm tổ ở đó.
Tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Theo các bác sỹ sản khoa, trên thế giới chỉ có 15% sản phụ phải mổ lấy thai theo chỉ định y khoa. Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ lệ mổ đẻ chiếm tới 40%, thậm chí có nơi lên tới 60% tổng số ca sinh. Điều này làm tăng nguy cơ biến chứng sản khoa do vết sẹo mổ cũ.
Những lưu ý đối với người từng mổ đẻ:
- Không nên có thai quá sớm khi vết mổ cũ còn mới (dưới 18 tháng) vì khi đó vết mổ dễ bị nứt, gây mất máu và tử vong thai.
- Nên khám thai đều đặn, đúng hẹn.
- Khi đi khám thai, đi sinh, cần khai rõ thời gian, lý do mổ lần trước, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có bị nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không…
- Cần chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ như: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào thì đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ, cần phải đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!