“Giải cứu nông sản” – đó là cụm từ mà chúng ta thường nghe thấy mỗi khi hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện nay, người trồng thanh long Bình Thuận đang tập trung xử lý đèn cho ra trái trái vụ với khoảng 10.000 ha. Sản lượng ước khoảng 85.000 - 100.000 tấn. Một số hợp tác xã thu mua tại đây cho biết giá mua tại nhà vườn dù thấp (chỉ dao dộng từ 5.000 đến 7.000 đ/kg), nhưng bán rất chậm. Toàn tỉnh Bình Thuận chỉ có khoảng 170 doanh nghiệp và cơ sở thu mua với khoảng 120 kho nhưng sức chứa chỉ được 7.000 tấn. Với sức chứa khiêm tốn như vậy thì các cơ sở thu mua dù có muốn thì cũng không thể mua tích trữ giúp nông dân.
Một số doanh nghiệp bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thanh long sấy dẻo, sấy khô, sản xuất rượu, nước ép từ thanh long, mở ra nhiều triển vọng. Tuy nhiên, công suất tiêu thụ của các nhà máy cũng chỉ vài trăm tấn trái tươi mỗi ngày. Trước tình hình khó khăn hiện nay, tỉnh Bình Thuận xác định phải thúc đẩy tiêu thụ nội địa và sản xuất thanh long sạch để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Nhiều năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Bình Thuận, chiếm 90% trong số khoảng 600.000 tấn thanh long xuất ra hàng năm. Do chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ, giá cả lại không có sự khác biệt giữa thanh long sạch với thanh long thường, nên việc sản xuất theo hướng an toàn, cụ thể là chuẩn Global Gap hay VietGap, đến nay tại Bình Thuận cũng chỉ mới 1/3 diện tích được người dân đầu tư.
Hội Nông dân Bình Thuận đang ủng hộ việc tiêu thụ thanh long ở thị trường trong nước. Cụ thể, trong các bữa ăn của các gia đình Việt, thanh long dường như còn là trái cây xa xỉ, chưa được người dùng quan tâm đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!