TP.HCM: Nỗ lực giải “bài toán” ô nhiễm rác thải

VTV9Cập nhật 15:25 ngày 19/09/2019

VTV.vn - Ô nhiễm từ rác là vấn đề không mới của TP.HCM nhưng lời giải cho "bài toán" khó này đã có những triển vọng gì?

Ô nhiễm mùi hôi rác đe dọa khu dân cư

Mùa mưa năm 2016, những lời kêu cứu từ khu đô thị Nam Sài Gòn về mùi hôi của rác đạt đến đỉnh điểm. Người dân thậm chí làm nhật ký ghi lại thời gian, địa điểm bị mùi hôi tấn công để mô tả mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm. Liên tục trong các năm 2017, 2018, đây cũng là vấn đề nhức nhối cho cả cư dân và chính quyền các cấp khi mức độ lan tỏa khu vực bị ảnh hưởng ngày càng cao.

Năm 2018, TP.HCM để ra 10 giải pháp để giảm bớt mùi hôi đe dọa các khu dân cư, tuy nhiên đây cũng chỉ là các giải pháp tình thế bởi có đến 66% tổng lượng rác tại thành phố được xử lý tại khu vực này nhưng hầu hết chỉ bằng biện pháp chôn lấp.

Bằng chứng là dù công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam vẫn đang tuân thủ, làm đúng theo 10 giải pháp mà TP.HCM và các sở, ngành tham mưu, cố vấn nhưng mùa mưa 2019 đến vẫn kèm theo những lời kêu cứu từ cư dân khu vực phía Nam Sài Gòn.

Giảm mùi hôi từ phân loại rác tại nguồn

Hai chiếc thùng rác được phường tặng cách đây nửa năm, giờ trở thành một phần không thể thiếu ở nhà bà Thanh (phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Lúc đầu thùng rác là để nhắc bà Thanh nhớ phân loại rác, còn vây giờ việc này đã thành thói quen của cả gia đình vì ích lợi thấy rõ.

Cũng nhờ phân loại rác từ các căn hộ mà phòng thu gom rác ở chung cư The Prince, quận Phú Nhuận hoàn toàn không còn mùi hôi. Con số hơn 30% căn hộ đã thực hiện phân loại chính là kết quả của những thay đổi trong ứng xử với rác khác đi này, nhưng hiệu quả của nó thì không chỉ dừng lại ở đây.

Sạch từ nhà, xanh chung cư, chính những thay đổi nhỏ của cư dân không chỉ làm cho không gian cộng đồng luôn được xanh sạch mà còn gia tăng gia trị môi trường sống cho cả cộng đồng.

Đốt rác thành điện, triệt tiêu hoàn toàn chôn lấp rác

Đến cuối năm 2019 sẽ có 3 Nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện được khởi công gồm: Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Công ty CP Vietstar, Công ty CP Tasco. Các nhà máy này đều khắc phục được một điểm then chốt mà dự án trước đây tại Bình Chánh không làm được đó là cả 3 nhà máy đều chủ động phân loại rác.

Điều này không chỉ hạn chế được nhược điểm về độ ẩm và tạp chất trong rác đô thị của TP.HCM, mà còn là bước quan trọng để xử lý một cách triệt để chất trơ vốn không có cách nào khác ngoài chôn lấp như hiện nay.

Đây cũng chính là yêu cầu của 1 trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM: Xử lý rác không gây ô nhiễm môi trường mà còn phải biến rác thành năng lượng phục vụ cho những ngành khác.

Giảm được khối lượng chất thải đem chôn lấp cũng sẽ đồng nghĩa với việc giảm diện tích đất chôn lấp, giảm phát thải khí nhà kính, ít phát sinh nước rỉ rác và mùi hôi. Một mũi tên sẽ trúng nhiều đích và giải quyết được vấn nạn một cách căn cơ. Tuy vẫn cần phải chờ hiệu quả thực tế khi nhà máy đầu tiên dự kiến hoạt động vào tháng 11/2020, nhưng đây vẫn là hướng đi mới thoát vòng luẩn quẩn cả về công nghệ, giải pháp và đối tác trong giải quyết vấn nạn môi trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.