Công trình dự án Vành đai 2, một trong những công trình giao thông quan trọng nhất của TP.HCM. Nếu hoàn thành, công trình sẽ tạo ra trục giao thông quan trọng ở các cửa ngõ, giúp hạn chế phương tiện giao thông không đi vào thành phố lưu thông vào trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, 10 năm nay, 70km của công trình này chỉ thi công đứt đoạn, trong đó đoạn 3 đã ngừng thi công từ Tết. Ngoài khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguyên nhân chính là bởi nhà đầu tư chưa nhận được giải ngân vốn.
Giải ngân vốn nhanh cũng là một trong những kiến nghị của TP.HCM đề xuất với Trung ương và các Bộ liên quan. Chỉ tính riêng 9 dự án có vốn ODA, trong 6 tháng năm 2020, giải ngân vốn của các dự án này chỉ đạt 10,3%, mức giải ngân rất thấp. Thậm chí, trong 4 năm qua, có 1 dự án ODA chỉ giải ngân được 1%. Với tiến độ này, tổ chức tài chính sẽ rút vốn tài trợ. Trong năm nay, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, khả thi nhất là cho tuyến Metro số 1.
Tuyến Metro số 1 hoàn thành sẽ là tiền đề thuận lợi cho các tuyến Metro sau, nhất là trong việc giải ngân. Để đảm bảo tiến độ, TP.HCM đã không ít lần tạm ứng, trong đó tuyến Metro số 1 là hơn 2.150 tỷ đồng, tuyến Vành đai 3 là 3.000 tỷ đồng.
Thời gian tới, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể. Điều này sẽ giúp TP.HCM có thêm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án hiện nay. Thêm vào đó, Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đến năm 2030 sẽ là cơ sở giúp cho địa phương cũng như các Bộ ban ngành ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án mang tính cấp bách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!