Thậm chí, có nơi trong một ngày xảy ra tới 4 - 5 vụ cháy. Điều khá bất thường là cho đến những ngày này, dù đã gần cuối tháng 8, nắng nóng vẫn gay gắt ở Nam Trung Bộ và lại có thêm những vụ cháy rừng vừa xảy ra.
Chỉ riêng tỉnh Phú Yên, ít nhất 45 vụ cháy rừng đã xảy ra trong vòng 3 tháng qua. Đây cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ cháy rừng trong năm nay. Các vụ cháy rừng xảy ra chú yếu ở khu vực rừng trồng. Chưa bao giờ, người trồng rừng ở Phú Yên lại chứng kiến những vụ cháy rừng dồn dập như trong năm nay. Mặc dù đã tập trung nhân lực và phương tiện để chữa cháy nhưng các đám cháy vẫn lan rộng, mất nhiều thời gian mới khống chế được.
Tổn thất về kinh tế, tổn hại về môi trường sinh thái là những gì dễ thấy ở bất cứ khu rừng nào sau khi lửa cuốn qua. Xót xa cho những cánh rừng, nhiều người không thể không đặt câu hỏi: Vì sao năm nay cháy rừng lại liên tiếp xảy ra? Vì sao các vụ cháy rừng rất khó được dập tắt? Lý giải đầu tiên thường được các cơ quan chức năng đưa ra là do năm nay nắng hạn gay gắt, nhưng nếu chỉ là nắng nóng thì liệu rừng có bị cháy hay không? Góc khuất đằng sau những vụ cháy rừng đang dần lộ rõ cùng với một nghịch lý chính người trồng rừng lại là thủ phạm gây cháy rừng. Qua điều tra ban đầu, hầu hết những vụ cháy rừng trong những tháng qua ở các tỉnh Nam Trung Bộ đều xuất phát từ việc đốt dọn thực bì. Và người trồng rừng đã gây ra bi kịch cho chính họ.
Sẽ không có nghịch lý người trồng rừng gây ra cháy rừng nếu như ngay từ khi trồng rừng, các chủ rừng tiếp cận được cách làm kinh tế rừng bền vững. Tuy nhiên, đây đang là khoảng trống khi cả quá trình từ khi thiết kế, trồng rừng đến lúc chăm sóc, khai thác rừng công đoạn nào cũng có những lỗ hổng. Chính những lỗ hổng này khiến cho cháy rừng xảy ra tràn lan. Đây là sự nhận diện khá muộn màng sau hàng loạt vụ cháy rừng, để lại tổn thất nặng nề cả về kinh tế lẫn môi trường sinh thái.
Rõ ràng, trong việc phát triển kinh tế rừng thời gian qua, những người có trách nhiệm đã không làm hết trách nhiệm trong công tác ngăn ngừa cháy rừng. Cụ thể là ở đây đã có sự buông lỏng trong việc kiểm soát những mối nguy gây cháy rừng cũng như các giải pháp kỹ thuật trong ngăn chặn cháy rừng. Nếu điều này không được chấn chỉnh, nguy cơ cháy rừng tràn lan sẽ còn tiếp diễn.
Nhiều bài học đắt giá đã được đưa ra sau hàng loạt vụ cháy rừng ở Nam Trung Bộ, đắt giá bởi thực tế cháy rừng đã làm lộ rõ những góc khuất lâu nay đằng sau con số tươi sáng về mức gia tăng rừng trồng. Diện tích rừng trồng dẫu có tăng nhanh, tăng nhiều mà không chú ý đến phát triển rừng bền vững thì kết quả cũng không có ý nghĩa, thậm chí rơi vào kết cục như trong các vụ cháy rừng vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!